OPEC đối mặt với nhu cầu dầu suy yếu trong nửa đầu năm 2024

OPEC sẽ gặp khó khăn trong việc cắt giảm sản lượng nếu nhu cầu dầu toàn cầu không tăng hoặc OPEC chuẩn bị sẵn sàng chấp nhận giá dầu thấp hơn.

Công nhân làm việc tại một nhà máy lọc dầu ở Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân làm việc tại một nhà máy lọc dầu ở Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo số liệu và tính toán từ các nhà dự báo của hãng tin Reuters, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang phải đối mặt với nhu cầu dầu suy yếu trong nửa đầu năm 2024 khi thị phần trên toàn cầu của tổ chức này sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch COVID-19 do thỏa thuận cắt giảm sản lượng và sự ra đi của Angola.

Với tình hình này OPEC sẽ gặp khó khăn trong việc cắt giảm sản lượng nếu nhu cầu dầu toàn cầu không tăng hoặc OPEC chuẩn bị sẵn sàng chấp nhận giá dầu thấp hơn.

Trong tháng này, Angola thông báo sẽ rời OPEC từ tháng 1/2024 sau khi Ecuador rời khỏi tổ chức này vào năm 2020, Qatar vào năm 2019 và Indonesia vào năm 2016.

Sự rời đi của Angola khiến nhóm còn lại 12 thành viên và sản lượng của nhóm này giảm xuống dưới 27 triệu thùng/ngày, chiếm chưa đến 27% trong tổng nguồn cung dầu toàn cầu là 102 triệu thùng/ngày.

Lần gần nhất thị phần của OPEC giảm xuống 27% là trong đại dịch năm 2020, khi nhu cầu toàn cầu giảm 15-20%.

Nhu cầu toàn cầu kể từ đó đã phục hồi lên mức kỷ lục, điều này đồng nghĩa với việc OPEC đã mất thị phần vào tay các đối thủ khác.

OPEC sản xuất khoảng 50% lượng dầu thô toàn cầu vào những năm 1970 trước khi xuất hiện các nguồn cung ứng khác ngoài tổ chức này.

Trong những thập kỷ sau đó, thị phần dầu toàn cầu của OPEC đứng ở mức từ 30-40% nhưng mức tăng trưởng sản lượng kỷ lục từ các đối thủ như Mỹ đã dần chiếm lĩnh thị phần đó trong những năm gần đây.

Tính đến tháng 11/2023, sản lượng dầu thô của OPEC chiếm 27,4% thị phần dầu thế giới, giảm so với mức 32-33% trong năm 2017-2018.

OPEC được thành lập vào năm 1960 bởi Saudi Arabia, Kuwait, Venezuela, Iran và Iraq.

Angola gia nhập nhóm vào năm 2007. Kể từ năm 2017, OPEC đã hợp tác với Nga và các nước sản xuất dầu không thuộc nhóm này, hay còn gọi là OPEC+, để quản lý thị trường.

Một số nhà sản xuất nhỏ đã gia nhập OPEC trong những năm gần đây, bao gồm Gabon năm 2016, Guinea Xích Đạo năm 2017 và Congo năm 2018.

OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng khoảng 6 triệu thùng/ngày nên về lý thuyết, nhóm này có thể tăng sản lượng để tranh giành thị phần. Tuy nhiên, điều đó có thể đi kèm với việc giá giảm sâu nếu nhu cầu về dầu thô không cải thiện.

Một số thành viên OPEC+ cho biết nhóm có thể thực hiện các biện pháp bổ sung nếu cần.

Số liệu từ ba cơ quan, tổ chức được thị trường dầu theo dõi chặt chẽ gồm Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và chính OPEC cho thấy có rất ít cơ hội để nới lỏng thỏa thuận cắt giảm trong quý 2/2024.

Dựa trên tính toán của Reuters, EIA nhận thấy nhu cầu đối với dầu thô OPEC sẽ giảm trong quý 2 so với quý đầu tiên.

Trong khi đó, OPEC dự báo thị phần của mình sẽ tăng lên trong thời gian dài khi sản lượng giảm ở nơi khác và nhu cầu thế giới tăng cao hơn.

Triển vọng Dầu Thế giới mới nhất của OPEC dự đoán tổng thị phần dầu mỏ của nhóm này sẽ tăng lên 40% vào năm 2045 khi sản lượng của các nước ngoài OPEC bắt đầu giảm từ đầu những năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục