OPEC+ có thể vẫn “án binh” trước tình hình phức tạp tại Trung Quốc

Chuyên gia phân tích của ngân hàng Swissquote cho rằng hoạt động kinh tế giảm tốc tại Trung Quốc chắc chắn là một yếu tố giải thích cho quyết định “án binh bất động” của OPEC về việc tăng sản lượng.
OPEC+ có thể vẫn “án binh” trước tình hình phức tạp tại Trung Quốc ảnh 1Trụ sở OPEC tại Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong cuộc họp ngày 5/5, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, được dự đoán sẽ nhất trí chỉ tăng nhẹ sản lượng dầu, trước những nguy cơ đối với nhu cầu năng lượng trong bối cảnh tình hình phong tỏa để chống dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp tại Trung Quốc.

Ông Walid Kudmani, chuyên gia phân tích của công ty XTB, nhận định có thể OPEC sẽ giữ nguyên kế hoạch tăng dần sản lượng của mình bất chấp sự bất ổn hiện tại liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, vì nhu cầu có nguy cơ sụt giảm do tình hình phong tỏa trên diện rộng tại Trung Quốc.

Cũng như các tháng trước đó, OPEC có thể chỉ tăng sản lượng thêm 432.000 thùng/ngày trong tháng Sáu. Đây là chiến lược đã bắt đầu được áp dụng vào mùa Xuân năm 2021 khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, sau các đợt cắt giảm mạnh trước đó do cú sốc mà đại dịch COVID-19 đem lại.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đang phải đấu tranh với đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất kể từ mùa Xuân năm 2020. Ngày 4/5, Bắc Kinh đã đóng cửa hàng loạt trạm tàu điện ngầm, và người dân ở đây lo ngại rằng thành phố này sẽ bị phong tỏa như những gì đã diễn ra tại Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc với 25 triệu dân.

Bà Ipek Ozkardeskaya, chuyên gia phân tích của ngân hàng Swissquote, cho rằng hoạt động kinh tế giảm tốc tại Trung Quốc chắc chắn là một yếu tố giải thích cho quyết định “án binh” của OPEC, dù khối này đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng gia tăng trong việc phải nâng sản lượng để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt kinh tế mới được đề xuất đối với Nga được dự đoán sẽ không làm lung lay hướng đi của OPEC ở thời điểm hiện tại.

Trong gói trừng phạt thứ sáu của mình, Ủy ban châu Âu (EU) đã kêu gọi cấm toàn bộ dầu, dầu thô và các sản phẩm lọc dầu của Nga, được vận chuyển bằng đường biển và qua đường ống, trươc cuối năm nay.

Triển vọng này đang đe dọa nguồn cung tại thị trường châu Âu vốn đã căng thẳng từ trước đó.

Tuy nhiên, bà Ozkardeskaya cho biết OPEC đã thể hiện rõ quan điểm rằng cuộc xung đột tại Ukraine không phải là lý do để lo ngại.

Ông Stephen Innes, chuyên gia phân tích của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management, lại cho rằng chiến lược "án binh" này của OPEC+ là nguyên nhân nhóm này đang phải chịu "sự kêu ca" từ cộng đồng quốc tế vì sự chậm chạp và không sẵn sàng hành động trước những diễn biến gần đây trên thị trường toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục