OPEC+ cắt giảm sản lượng, giá dầu thế giới tăng tuần thứ sáu liên tiếp

Giá dầu Brent đã tăng 17% kể từ ngày 29/5 tới nay, chạm mức cao nhất trong ba tháng và tăng hơn gấp đôi so với mức thấp 15,98 USD/thùng ghi nhận trong phiên 22/4.
Ảnh minh họa. (Nguồn: businessinsider.com)

Giá dầu thế giới đi lên trong phiên cuối tuần 5/6 và ghi nhận tuần tăng thứ sáu liên tiếp, sau khi báo cáo mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ bất ngờ giảm trong tháng Năm.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn đã tăng 2,31 USD (tương đương 5,8%) lên 42,30 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 2,14 USD (5,7%) lên 39,55 USD/thùng.

Thị trường năng lượng đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã giảm đột ngột từ mức 14,7% trong tháng Tư xuống còn 13,3% trong tháng Năm.

[Thêm 2,5 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm ngoài dự báo]

Bên cạnh đó, cuộc họp giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, về việc có nên gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng hay không cũng hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu trong phiên cuối tuần.

Giá dầu Brent đã tăng 17% kể từ ngày 29/5 tới nay, chạm mức cao nhất trong ba tháng và tăng hơn gấp đôi so với mức thấp 15,98 USD/thùng ghi nhận trong phiên 22/4. Trong cùng giai đoạn, giá dầu WTI cũng tăng 11%.

Cả hai loại dầu trên đều tăng điểm trong hầu như mọi phiên của tuần này, ngoại trừ dầu WTI giảm 0,1% trong phiên 1/6 đầu tuần.

Đáng chú ý là trong phiên 2/6, giá dầu Brent và dầu WTI đều tăng hơn 3% và ở gần các mức cao nhất trong ba tuần sau khi có thông tin cho biết OPEC+ nhiều khả năng sẽ nhất trí duy trì các mức sản lượng hiện tại thêm hai tháng nữa.

Hồi giữa tháng Tư, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng khoảng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng Năm và tháng Sáu để giúp đẩy giá dầu đi lên sau giai đoạn “sụp đổ” do cuộc khủng hoảng dịch COVID-19.

Mức cắt giảm sau đó dự kiến sẽ hạ xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 7-12/2020. Tuy nhiên, Saudi Arabia đang muốn kéo dài kế hoạch cắt giảm hiện nay cho tới tháng Tám.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Bên cạnh đó, thị trường cũng dự đoán việc mở cửa trở lại các nền kinh tế trên toàn thế giới sẽ làm gia tăng nhu cầu, qua đó giúp thị trường dầu có thể cân bằng vào tháng Tám.

Trong các phiên 3-4/6, giá dầu Brent và dầu WTI đều tăng quanh mức 0,5% mỗi phiên khi thị trường chờ đợi thêm các thông tin về cuộc họp của OPEC+.

Tính chung trên cả tuần, dầu Brent đã tăng giá khá ấn tượng với mức tăng 19,2%. Giá dầu WTI cũng ghi thêm 10,7% trong tuần này.

Theo nhà phân tích thị trường Marshall Steeves, thuộc công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, điều quan trọng là Saudi Arabia và Nga sẽ đạt được thỏa thuận về gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng hiện hành, ngay cả khi chỉ trong một tháng tới.

Nếu sự tái cân bằng trên thị trường toàn cầu không được thắt chặt trong vòng một tháng kể từ thời điểm hiện tại, hoặc đà phục hồi của giá dầu bị chững lại, OPEC+ có thể sẽ kéo dài kế hoạch trên tới tháng Tám.

Chuyên gia Steeves cho rằng ở giai đoạn này, các quyết định xem xét gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày của OPEC+ sẽ trở thành quyết định theo từng tháng.

Bên cạnh đó, thị trường năng lượng cũng đang theo dõi diễn biến của cơn bão Cristobal vốn đã gây lũ lụt cho Mexico và khu vực Trung Mỹ.

Cristobal đã mạnh lên thành một cơn bão nhiệt đới vào chiều thứ Sáu (5/6) sau khi suy yếu trước đó.

Trung tâm Bão quốc gia Mỹ (NHC) dự báo cơn bão này sẽ di chuyển qua Vịnh Mexico vào thứ Bảy (6/6).

Cơn bão có thể tác động đến một số hoạt động sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên trong khu vực, một diễn biến có thể giúp giá dầu tăng hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục