Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 3/1 tái khẳng định cam kết vững chắc của khối đối với các mục tiêu chung nhằm tăng cường sự thống nhất và gắn kết nội khối cũng như với các đồng minh ngoài OPEC.
Trong một tuyên bố, OPEC cho biết những nỗ lực của OPEC và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, đã trợ giúp nền kinh tế toàn cầu vượt qua các thách thức trong những năm qua và đảm bảo sự ổn định của thị trường năng lượng thế giới.
Tuyên bố của OPEC nêu rõ: "Các mức độ hợp tác chưa từng có, đối thoại, sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau sẽ tiếp tục là cơ sở cho những nỗ lực hợp tác không ngừng của khối trong tương lai. Điều này là vì lợi ích của tất cả các nhà sản xuất, người tiêu dùng và nhà đầu tư cũng như nền kinh tế toàn cầu nói chung."
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thế giới đã tăng trở lại do sự gián đoạn của mỏ dầu lớn nhất tại Libya cũng như căng thẳng gia tăng tại khu vực Trung Đông khiến các nhà đầu tư lo ngại về khả năng nguồn cung dầu sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.
Các cuộc biểu tình tại Libya đã làm sụt giảm một phần sản lượng tại mỏ dầu Sharara có công suất 300.000 thùng/ngày ở quốc gia Bắc Phi này.
Giá dầu đã tăng khoảng 2 USD/thùng hồi đầu tuần này sau các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu thương mại di chuyển qua Biển Đỏ.
Trong khi đó, kỳ vọng về nguồn cung dầu dồi dào trong nửa đầu năm 2024 đã kìm hãm giá dầu trước thềm cuộc họp dự kiến diễn ra vào đầu tháng 2/2024 của Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC+.
Trước đó, trong báo cáo hàng tháng thị trường dầu mỏ công bố hồi tháng 12/2023, OPEC dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ tăng trưởng ổn định trong năm 2024.
Theo OPEC, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024 lên mức trung bình 104,36 triệu thùng/ngày. OPEC cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu nhận được sự hỗ trợ từ đà tăng trưởng khởi sắc của nền kinh tế thế giới, trong bối cảnh hoạt động kinh tế ở Trung Quốc tiếp tục cải thiện.
Báo cáo của OPEC cho hay nhu cầu dầu tại các quốc gia công nghiệp hóa trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự kiến sẽ tăng 0,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 46,1 triệu thùng/ngày, song vẫn thấp hơn mức kỷ lục ghi nhận vào năm 2019.
Trong khi đó, nhu cầu của các quốc gia ngoài OECD sẽ tăng trung bình 2 triệu thùng/ngày lên 58,3 triệu thùng/ngày./.
OPEC đối mặt với nhu cầu dầu suy yếu trong nửa đầu năm 2024
OPEC sẽ gặp khó khăn trong việc cắt giảm sản lượng nếu nhu cầu dầu toàn cầu không tăng hoặc OPEC chuẩn bị sẵn sàng chấp nhận giá dầu thấp hơn.