Facebook đang lên kế hoạch chống lại phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) cho phép các tòa án cấp quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) có quyền yêu cầu các nền tảng mạng xã hội theo dõi và gỡ bỏ những nội dung mang tính phỉ báng, thù địch trên toàn thế giới.
Facebook hiện đang tuân thủ các yêu cầu pháp lý phù hợp để xóa nội dung vi phạm luật pháp các nước, nhưng vẫn có thể để lại nếu bài đăng không vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng.
Trong buổi hỏi đáp trực tiếp với các nhân viên của Facebook, ngày 4/10, CEO Mark Zuckerberg đã tuyên bố sẽ "khởi kiện" lại phán quyết của ECJ.
Ông Zuckerberg giải thích rằng Facebook đã "chiến đấu thành công" với các yêu cầu gỡ nội dung quá rộng trong quá khứ.
Trong tuyên bố gửi tới trang tin Techrunch, Facebook khẳng định phán quyết của EJC đưa ra những câu hỏi quan trọng xung quanh quyền tự do ngôn luận và vai trò của các công ty Internet trong việc giám sát, giải thích và loại bỏ những nội dung có thể là bất hợp pháp ở bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
"Tại Facebook, chúng tôi đã có Tiêu chuẩn cộng đồng phác thảo những gì mọi người có thể và không thể chia sẻ trên nền tảng của chúng tôi và có một quy trình để hạn chế những nội dung nếu chúng vi phạm luật địa phương. Phán quyết này đi xa hơn nhiều." - tuyên bố của Facebook nhấn mạnh.
Trong các phát biểu trước khi vào phần hỏi-đáp, ông Zuckerberg cũng đã thảo luận về yêu cầu từ cơ quan chức năng Mỹ, Anh và Australia đòi Facebook ngừng mở rộng mã hóa trên tất cả các ứng dụng nhắn tin của mình.
"Chúng tôi nhận thấy rằng có những mối quan tâm thực sự với việc đó," ông Zuckerberg nói.
Theo ông Zuckerberg, Facebook "cố gắng cân bằng, đặc biệt là các nhu cầu về an ninh như bắt giữ những kẻ lạm dụng trẻ em và khủng bố so với quyền riêng tư và bảo vệ các nhà bất đồng chính trị cũng như công dân bình thường."
Ông Zuckerberg cũng đề cập rằng iMessage của Apple là ứng dụng nhắn tin hàng đầu ở Mỹ và nó cũng được mã hóa, cho thấy Facebook không phải là hãng duy nhất bảo mật tin nhắn cá nhân và "rõ ràng người dùng muốn điều đó."./.