Mặc dù đã từng lấy chủ đề Du lịch Xanh cho chuỗi hoạt động 3 năm trước của Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội (Vietnam International Travel Mart-VITM Hanoi), nhưng Trưởng Ban tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết kỳ này vẫn sẽ tiếp tục với “Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững.”
Bởi ông kỳ vọng sau Hội chợ VITM Hanoi 2024, khái niệm về Chuyển đổi Xanh sẽ lan tỏa rộng rãi hơn để cùng Chuyển đổi Số trở thành “đôi cánh” giúp ngành công nghiệp không khói Việt Nam "cất cánh."
- Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2024 sẽ diễn ra trong 4 ngày (từ 11-14/4), là Trưởng Ban tổ chức sự kiện, xin ông cho biết những điểm mới của Hội chợ năm nay?
Ông Vũ Thế Bình: Hội chợ VITM Hà Nội 2024 diễn ra trong bối cảnh ngành du lịch Việt quyết tâm khôi phục toàn diện, mọi chỉ tiêu của ngành du lịch đều đạt và vượt năm 2019. Trong bối cảnh này, các hoạt động của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đều đi theo mục tiêu đó, trong đó đặc biệt Hội chợ VITM Hà Nội 2024 sẽ diễn ra rất nhiều sự kiện để tập trung vào vấn đề tăng trưởng khách, thực hiện đúng Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ.
Chúng ta biết rằng, hiện nay tất cả các nền kinh tế thế giới đang tập trung vào vấn đề chuyển đổi Xanh, gắn môi trường, xã hội với ngành kinh tế Xanh đi theo hướng bền vững. Chính vì thế, mặc dù cách đây 3 năm, Hội chợ VITM Hà Nội đã từng lấy chủ đề Du lịch Xanh, nhưng lần này chúng tôi đưa ra chủ đề “Du lịch Việt Nam-Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững.”
Trong đó, chuyển đổi Xanh bao gồm rất nhiều hoạt động, từ xây dựng các sản phẩm Xanh, dịch vụ Xanh, con đường du lịch Xanh… để làm sao phát triển sản phẩm du lịch của Việt Nam hấp dẫn hơn, đổi mới hơn, nhận được hưởng ứng của xã hội đối với du lịch.
Năm nay, điểm mới nữa của Hội chợ VITM là sau 4 năm COVID-19, Hội chợ đã trở lại không khí của năm 2019 với số lượng gian hàng rất đông. Hiện đã có 51 tỉnh, thành phố có gian hàng tại Hội chợ và 16 quốc gia đăng ký tham gia sự kiện. Điều này cho thấy chúng ta đã trở lại không khí nhộn nhịp, thể hiện rằng du lịch Việt Nam đang cố gắng vươn lên để có thể trở lại vị thế là một nền du lịch mạnh mẽ trong khu vực.
- Năm 2024, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt du khách quốc tế, cao hơn cả con số 18 triệu lượt du khách quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra. Xin ông cho biết vì sao Hiệp hội lại tự tin với con số mục tiêu cao như vậy?
Ông Vũ Thế Bình: Điều khiến chúng tôi tự tin là sự nhiệt tình của các doanh nghiệp càng ngày càng rõ, kể từ năm 2022, 2023. Đến năm 2024, tuy rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn và gian khổ, nhưng chúng tôi nghĩ rằng với quyết tâm cao của các doanh nghiệp, với một số điều kiện thuận lợi của năm nay, chúng ta có thể đạt được mục tiêu đó.
Đặc biệt, về mặt chính sách, chính sách visa của chúng ta rất đổi mới, mặc dù có thể không nới rộng bằng một số nước trong khu vực nhưng về bề sâu thì chúng ta lại miễn visa cho những nước miễn visa song phương là 45 ngày, thời gian lưu trú 45 ngày, đi bằng visa điện tử có thể lên tới 90 ngày và đã nghiên cứu vấn đề có thể mở rộng thời gian ở Việt Nam còn lâu dài hơn nữa.
Do đó, với chính sách mở cửa một cách mạnh mẽ như vậy, chúng tôi tin rằng ngành du lịch có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, con số Hiệp hội mong ước để đạt được thể hiện rằng các doanh nghiệp du lịch phải làm việc rất nhiều, phải rất cố gắng. Bởi vì chúng ta cũng còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, lượng khách nội địa đã giảm sút so với năm ngoái nhiều, trong khi khách du lịch inbound và outbound đều tăng rất nhanh. Nhìn bức tranh chung của ngành du lịch trong 2 tháng vừa rồi, với lượng khách nội địa sụt giảm du, chúng ta hiểu rằng nhiều việc phải cố gắng hơn nữa. Những người làm du lịch cần phải hiểu rõ những khó khăn và tìm được cách để có thể lách được qua những trở ngại, khó khăn để đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Ẩm thực truyền thống Đường Lâm nhận giải sản phẩm du lịch bền vững ASEAN
Giải thưởng là minh chứng cho những nỗ lực, chất lượng, thương hiệu của du lịch làng cổ Đường Lâm, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch địa phương hậu COVID-19 thời gian qua.
- Trong khuôn khổ các hoạt động của VITM Hà Nội 2024, đáng chú ý có Diễn đàn “Du lịch Việt Nam-Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững,” xin ông chia sẻ thêm về diễn đàn này?
Ông Vũ Thế Bình: Trong Hội chợ VITM, bao giờ cũng có hai phần việc. Một là những hoạt động thương mại, mua bán, B2B, trao đổi giữa các doanh nghiệp với nhau, giới thiệu các sản phẩm du lịch. Và hoạt động thứ hai là định hướng phát triển.
Năm nay khi chọn chủ đề “Du lịch Việt Nam-Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” thì trong Hội chợ sẽ có Diễn đàn rất lớn, quy tụ sự tham gia của tất cả đại biểu, doanh nghiệp du lịch cả nước, được tổ chức vừa trực tiếp vừa trực tuyến để chúng ta bàn về vấn đề chuyển đổi Xanh trong du lịch là gì và mỗi một cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm làm những việc gì?
Chúng ta có những mô hình mới và hiện nay đã có những khách sạn nói không với rác thải nhựa, có những nhà hàng thì nói không với rác thải chứ không chỉ là rác thải nhựa. Điều đó có nghĩa là đang có những gương sáng trong vấn đề phát triển du lịch theo hướng Xanh. Hội chợ lần này sẽ có nhiều cuộc họp, hội thảo để bàn về những vấn đề đó.
Chúng tôi hy vọng với những hoạt động của Hội chợ, khái niệm về chuyển đổi Xanh sẽ được lan tỏa rộng rãi trong các doanh nghiệp du lịch, để cùng với Chuyển đổi Số trở thành đôi cánh của ngành du lịch, giúp ngành công nghiệp không khói Việt Nam bay lên trong thời gian tới.
- Ông kỳ vọng Hội chợ VITM Hà Nội năm nay, chúng ta sẽ đạt được những con số như thế nào?
Ông Vũ Thế Bình: Hiện nay đã có khoảng hơn 600 doanh nghiệp đăng ký có gian hàng ở Hội chợ. Chúng tôi tin chắc là sẽ có khoảng 3.000 doanh nghiệp du lịch cả nước sẽ đến tham dự các hoạt động của Hội chợ. Và số lượng người đến tham gia Hội chợ, chúng tôi nghĩ phải đạt được từ 60.000-70.000 lượt.
Con số này tuy không cao bằng năm 2019, nhưng trong bối cảnh hiện nay chắc chắn sẽ là một con số lớn. Đặc biệt là cho đến hôm nay, không khí chuẩn bị rất sôi nổi của các doanh nghiệp tham gia Hội chợ, chúng tôi tin chắc là Hội chợ sẽ thành công tốt đẹp.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.