Ngày 11/1, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ, ông Kevin McCarthy cho biết Tổng thống Donald Trump đã thừa nhận "một số trách nhiệm" về vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1.
Tổng thống Trump đã thừa nhận như trên trong một cuộc điện đàm dài 30 phút với ông McCarthy. Ông McCarthy cho biết: "Tổng thống đã nói với tôi rằng ông ấy có một số trách nhiệm về những gì đã xảy ra."
Cũng theo ông McCarthy, trong cuộc điện đàm ông đã kêu gọi với Tổng thống đương nhiệm gọi điện và gặp Tổng thống đắc cử Joe Biden “vì lợi ích quốc gia.”
Trong cuộc điện đàm trên, ông Trump cũng cáo buộc “các antifa” là thủ phạm gây ra vụ bạo loạn, điều mà ông McCarthy bác bỏ. Phong trào Antifa xuất hiện từ những năm 1980, khi một nhóm có tên gọi Hành động chống phân biệt chủng tộc đối đầu với những đối tượng theo chủ nghĩa phátxít tại miền Trung Tây nước Mỹ.
[Đảng Dân chủ chính thức đệ trình nghị quyết luận tội Tổng thống Trump]
Antifa là từ viết tắt của cụm từ chống phátxít. Sau này, bên cạnh mục tiêu chống phátxít và chủ nghĩa phátxít, phong trào Antifa hoạt động với quan điểm phản đối những kẻ siêu quyền lực da trắng và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phản đối việc tích lũy của cải của các tập đoàn và giới thượng lưu. Phong trào không có thủ lĩnh chính thức cũng như không có trụ sở cụ thể.
Năm người đã thiệt mạng trong vụ bạo loạn ở Quốc hội Mỹ vào đúng ngày hai viện họp để chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2020 với chiến thắng thuộc về ông Joe Biden.
Bạo lực xảy ra ngay sau khi ông Trump kêu gọi những người ủng hộ tuần hành trên Đồi Capitol. Ông Trump ban đầu phớt lờ những lời yêu cầu ông lên án vụ tấn công, thậm chí còn ca ngợi những người ủng hộ tham gia vào cuộc bao vây Quốc hội là "rất đặc biệt."
Một ngày sau, ông mô tả vụ bạo loạn là "một cuộc tấn công kinh hoàng" và cam kết sẽ hướng tới việc chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ, mặc dù không thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử./.