THX đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/9 đã có bài phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, điều mà các chuyên gia Mỹ cho là đã bộc lộ một thế giới quan kiểu "được-mất," gây tổn hại tới sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Ông Trump đã quảng bá chính sách đối ngoại nước Mỹ trước tiên và bảo vệ các hành động tuân theo niềm tin này.
Trong khi nhấn mạnh cam kết của mình về việc "đặt chủ quyền lên trên vai trò quản lý toàn cầu," ông đã công kích chủ nghĩa toàn cầu, và lên án một số tổ chức và hiệp ước quốc tế như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Tòa án Hình sự Quốc tế và thỏa thuận hạt nhân Iran, mà chính quyền Mỹ đã tuyên bố rút khỏi hoặc áp đặt trừng phạt.
Trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã, ông Kyle Ferrier, một nhà phân tích của Viện Kinh tế Hàn Quốc tại Washington, cho rằng "bài phát biểu của ông Trump đã cố tình lái chính sách đối ngoại 'nước Mỹ trước tiên' thành một điều gì đó để mọi người có thể hiểu là: lòng yêu nước."
Ông Ferrier nhấn mạnh: "Tuy nhiên, việc che giấu chính sách đối ngoại của ông sẽ không làm dịu đi những lo ngại lan rộng về việc Mỹ rút khỏi vai trò quản lý toàn cầu."
[Thiếu tướng, Tư lệnh IRGC Iran chỉ trích bài phát biểu của Mỹ]
Chuyên gia này cho rằng: "Chính sách đối ngoại của ông Trump là một sự pha trộn của chủ nghĩa chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo thủ truyền thống, điều mà không thường xuyên liên kết với nhau."
Đồng quan điểm trên, ông Dan Mahaffee, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu của Phủ tổng thống và Quốc hội Mỹ nói với Tân Hoa xã rằng "trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh niềm tin của ông đối với chủ quyền Mỹ, cũng như lời khuyên mà các cố vấn như ông John Bolton và Stephen Miller đã đưa ra cho ông."
Ông Mahaffee nói thêm rằng: "Trong khuôn khổ này, các tổ chức quốc tế thể hiện mối đe dọa đối với chủ quyền của Mỹ, đặc biệt là vào thời điểm khi các vấn đề như nhập cư, thương mại và vai trò của các cơ chế như các liên minh và các tổ chức đa phương hạn chế quyền tự do hành động của Mỹ.
Mặc dù tán thành niềm tin vào chủ quyền của các quốc gia, song họ cũng thừa nhận rằng có trường hợp một quốc gia khác trông cậy vào khả năng bảo vệ quân sự và các quan hệ kinh tế của Mỹ lại khiến Mỹ có những bất bình chính đáng về các chính sách mà họ theo đuổi đang chống lại lợi ích của Mỹ.
Chuyên gia này lưu ý: "Nó thay đổi đáng kể so với những lợi ích mà Mỹ đã đạt được trong quan hệ đối tác và liên minh với các nước khác vì nó phản ánh rõ hơn thế giới quan kiểu 'được-mất' của ông Trump"./.