Theo AFP, chỉ vài tuần sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vướng vào một cuộc xung đột với giới tư pháp nước này khi ban sắc lệnh hạn chế nhập cảnh với một số nước có đa số dân theo đạo Hồi.
Sau đó, một thẩm phán tòa án liên bang Mỹ đã ra phán quyết đóng băng sắc lệnh này. Chính quyền ông Trump tìm cách đảo ngược tình thế bằng cách đưa vụ việc lên tòa cấp cao. Nhưng hôm 9/2, Tòa phúc thẩm liên bang ở San Francisco (Mỹ) tiếp tục ra phán quyết ủng hộ duy trì việc đóng băng sắc lệnh.
Thời gian phiên xử ở Tòa phúc thẩm đang diễn ra, ông Trump đã tỏ ra hết sức bất bình. Phát biểu trước các lãnh đạo lực lượng cảnh sát và tòa án, ông Trump nói rằng những gì ông nghe thấy trong phiên tòa vào chiều muộn ngày 7/2 thật “đáng hổ thẹn".
“Tôi chưa bao giờ muốn kết luận một phiên tòa bằng từ bất công, vì thế tôi sẽ không dùng từ bất công, và vẫn chưa có một phán quyết cụ thể. Tuy nhiên, phiên tòa dường như ‘mang nặng tính chính trị,” ông nói.
Những bình luận này của ông Trump đã làm nổ ra một sự phản ứng mạnh mẽ tại một đất nước nơi hiếm khi Tổng thống có những lời đả kích châm chọc mang tính cá nhân đối với một nhánh khác của chính quyền.
Những người chỉ trích sắc lệnh của ông Trump cho rằng nó đã vi phạm Hiến pháp khi phân biệt đối xử với người dân chỉ vì lý do tôn giáo.
Các thẩm phán thụ lý vụ kiện cũng bày tỏ sự hoài nghi đối với quyết định của chính quyền. Thẩm phán Michelle Friedland, người được chỉ định bởi cựu Tổng thống Obama, đặt câu hỏi: “Chính quyền có bằng chứng xác thực nào để chắc chắn rằng những quốc gia bị hạn chế này có quan hệ với bọn khủng bố hay không?”
Trước đó, giới chuyên gia cũng cho rằng những lý lẽ mà chính quyền đưa ra nhằm khôi phục sắc lệnh hạn chế này sẽ vấp phải nhiều khó khăn.
Ngày 27/1, tân Tổng thống Donald Trump đã ra sắc lệnh hạn chế nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân của 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi trong vòng 90 ngày và cấm tất cả người tị nạn vào Mỹ trong 120 ngày (người tị nạn đến từ Syria bị cấm vô thời hạn).
Chính quyền Mỹ đã bảo vệ sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Trump, gọi đây là một “sự thực hiện hợp pháp” quyền hành của ông, đồng thời khẳng định rằng tòa án liên bang đã sai khi “đóng băng” việc thực thi sắc lệnh này.
Biện luận của Trump cũng được dựa trên điều khoản của Đạo luật Quốc gia về nhập cư đã có hiệu lực từ 65 năm nay, theo đó Tổng thống được phép đình chỉ việc nhập cảnh vào Mỹ đối với bất cứ công dân nước ngoài nào mà ông cho rằng sự hiện diện của họ “gây thiệt hại cho các lợi ích của nước Mỹ.”
Các luật sư của chính quyền đang nỗ lực bênh vực cho lý lẽ này khi nói rằng bộ máy tư pháp của đất nước không đủ tư cách ra quyết định về các vấn đề an ninh quốc gia.
Các luật sư này cho rằng: “Không giống như Tổng thống, các tòa án không được tiếp cận các thông tin mật về mối đe dọa mà các tổ chức khủng bố tạo ra với nhiều nước. Chúng đang nỗ lực thâm nhập vào nước Mỹ, hoặc lách qua các kẽ hở trong kiểm soát an ninh."
Nhưng những người phản đối sắc lệnh của Nhà trắng cũng trích dẫn Hiến pháp, nói rằng sắc lệnh hành pháp này vi phạm những nguyên tắc cơ bản, bao gồm những nguyên tắc về bình đẳng, tự do đi lại và tự do tôn giáo.
Họ nhấn mạnh rằng vai trò của ngành tư pháp là kiểm soát ngành hành pháp, cốt là để bảo vệ các cộng đồng thiểu số. Những người này nói rằng họ có quyền hợp pháp để phản đối bởi thực tế là lệnh cấm của ông Trump đã ảnh hưởng đến họ, bên cạnh việc gây hậu quả không nhỏ cho các doanh nghiệp và ngành giáo dục của Mỹ./.