Ông Trần Văn Nam được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương

Đồng chí Trần Văn Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa IX, Chủ tịch ​Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khóa X Trần Văn Nam phát biểu bế mạc Đại hội. (Ảnh: Quách Lắm​/TTXVN)

Chiều 27/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã bế mạc sau hai ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao.

Đại hội đã bầu 52 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020; bầu 14 đại biểu chính thức, 2 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa X họp phiên thứ nhất đã bầu 14 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng chí Trần Văn Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa IX, Chủ tịch ​Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020; các đồng chí Phạm Văn Cành, Trần Thanh Liêm và Nguyễn Hữu Từ được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa X đã thông qua Nghị quyết Đại hội với mục tiêu tổng quát: Tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ-công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa, đầu tư nông nghiệp đô thị gắn với công nghệ sinh học cao và chuyển giao công nghệ sinh học; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân; Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

Một số chỉ tiêu chủ yếu được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định là: Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 8,3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh giảm 1%/năm so với đầu năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GRDP.

Đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 82%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 7 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 100%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 70-75%;tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 100% và tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom xử lý đạt 100%...

Đảng bộ tỉnh tiếp tục thực hiện một số Chương trình đột phá gồm: Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là các công trình mang tính động lực. Gắn kết và khai thác tối đa lợi thế từ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tập trung đầu tư xây dựng khu đô thị mới gắn với nâng cấp, chỉnh trang thành phố Thủ Dầu Một và các đô thị vệ tinh Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên theo hướng văn minh, sạch đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.

Cùng với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình đột phá, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trên các lĩnh vực. Đó là: Nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng quy mô nền kinh tế trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; giải quyết hài hòa mối quan hệ gi ữ a tăng trư ở ng kinh t ế và phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và thân thiện với môi trường.

Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội và chính sách đối với người có công, nâng cao chất lượng sống của người dân. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, gia đình hạnh phúc gắn với phòng, chống các tệ nạn xã hội.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc; mở rộng đối ngoại, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hoạt động đối ngoại nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đảng bộ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo trong tình hình mới.

Đoàn đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII ra mắt đại hội. (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)

Đảng bộ tỉnh chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Hoàn thiện và thực hiện tốt chiến lược cán bộ; phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí người có tài, có đức, cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ gắn với đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tỉnh tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác công tác kiểm tra, giám sát.

Bình Dương hướng tới xây dựng bộ máy chính quyền các cấp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thân thiện; đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân; nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi và bảo vệ pháp luật. Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chương trình cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả và phục vụ, xây dựng chính quyền điện tử.

Tỉnh phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phát huy vai trò phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và phát triển kinh tế xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục