Ông Trần Cẩm Tú làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Vĩnh Phúc cần làm tốt công tác kiểm tra giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, khắc phục cho được tình trạng "trên nóng, dưới lạnh."
Ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Ngày 31/12, Đoàn kiểm tra số 1155 của Ban Bí thư và Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; thực hiện các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; công tác phòng chống tham nhũng.

Đoàn do ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, làm trưởng đoàn.

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Vinh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Cẩm Tú ghi nhận đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với thực hiện các quy định về nêu gương cũng như tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh, chỉ đạo, giải quyết dứt điểm.

[Tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng]

Theo ông Trần Cẩm Tú, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có giải pháp thiết thực, cụ thể để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra, trong đó cần tăng cường hơn nữa vai trò của cấp ủy, người đứng đầu bằng những hành động thiết thực, cụ thể; tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp để đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đổi mới phong cách làm việc, đề cao tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ; khắc phục tình trạng quan liêu, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của doanh nghiệp và nhân dân. 

Cùng với đó, Vĩnh Phúc tiếp tục tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, miễn nhiệm, thay thế kịp thời những cán bộ thiếu gương mẫu, yếu kém về năng lực, phẩm chất, không hoàn thành nhiệm vụ.

Tỉnh cần làm tốt công tác kiểm tra giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, khắc phục cho được tình trạng "trên nóng, dưới lạnh”; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng, cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm mới phát sinh, những vi phạm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những vấn đề gây bức xúc trong dư luận; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh tình trạng “tham nhũng vặt” ở địa phương, đơn vị mình.

Vĩnh Phúc tiếp tục rà soát, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu và chỉ tiêu nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, đặc biệt là tập trung chuẩn bị tốt các công việc cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức triển khai Nghị quyết Trung ương 4 gắn với các quy định nêu gương cũng như các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; kịp thời cụ thể hóa thành các quy định, quy chế, kế hoạch, chương trình hành động và thực hiện với quyết tâm cao.

Đại đa số cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, dân chủ việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá chất lượng, phân loại tổ chức Đảng, đảng viên hằng năm gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Sau kiểm điểm, các tập thể và cá nhân đã xây dựng kế hoạch khắc phục sửa chữa hạn chế, khuyết điểm.

Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử; thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục