Ông Thaksin bị cáo buộc kích động bạo loạn

Chính phủ Thái Lan cáo buộc cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra kích động bạo loạn hôm 10/4 khiến hàng trăm người đã bị thương vong.
Chính phủ Thái Lan cáo buộc cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra kích động bạo loạn hôm 10/4 khiến 21 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Washington (Mỹ), Ngoại trưởng Thái Lan Kasitt Piromya nêu rõ, ông Thaksin là "kẻ xúi giục" trong vụ bạo loạn đẫm máu nhất trong hai thập kỷ qua ở xứ sở Chùa Vàng.

Ông Kasitt cho rằng mỗi ngày ông Thaksin "rót" khoảng 100 triệu bạt (3 triệu USD) cho phe "áo đỏ" tiến hành các hoạt động chính trị trong nước.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thái Lan vẫn coi đàm phán là giải pháp then chốt để tháo ngòi khủng hoảng chính trị ở nước này.

Ông Kasitt thậm chí còn đề cập đến việc cải cách thể chế quân chủ, một vấn đề được coi là cấm kị ở Thái Lan.

Theo ông, bất cứ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay có thể đều liên quan đến việc điều chỉnh vai trò của hoàng gia trong đời sống chính trị ở Thái Lan.

Ông cho rằng "đây là một quá trình Thái Lan phải trải qua và cần phải dũng cảm thảo luận về cả chủ đề cấm kỵ như thể chế quân chủ."

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban cho biết chính phủ sẽ cho phép người "áo đỏ" thuộc Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) tiếp tục biểu tình nhiều tháng nữa nếu họ không gây ra bạo lực.

Ông khẳng định nhà chức trách sẽ không dùng vũ lực để giải tán các cuộc biểu tình hòa bình.

Phó Thủ tướng Suthep cũng cho biết Chính phủ có thể tổ chức  bầu cử trong vòng chín tháng tới, song cho rằng tiến hành bầu cử vào cuối năm nay vẫn là "lựa chọn tốt nhất."

Trong khi đó, phe "áo đỏ" ngày 13/4 tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình rầm rộ cho tới khi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva giải tán quốc hội và tổ chức cuộc bầu cử sớm.

Trước diễn biến phức tạp tại Thái Lan, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Surin Pitsuwan cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan đang xấu đi và làm lung lay niềm tin trong toàn khu vực.

Theo ông Surin, căng thẳng hiện nay giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh ở Bangkok khiến các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại.

Lo ngại về an ninh ở Thái Lan sau vụ đụng độ hôm 10/4, Tổng Cục du lịch Trung Quốc đã yêu cầu các hãng du lịch nước này tạm ngừng các chuyến du lịch đông người đến Thái Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục