Trong phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 47 đang diễn ra tại Davos (Đa-vốt, Thụy Sĩ), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi bảo vệ mạnh mẽ toàn cầu hóa, trong đó ông khẳng định nếu đổ lỗi các vấn đề hiện nay cho toàn cầu hóa là trái với thực tế và sẽ không giúp giải quyết vấn đề.
Ông khẳng định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kịch liệt phản đối các chính sách bảo hộ và cảnh báo rằng "sẽ không ai sống sót và chiến thắng trong cuộc chiến tranh thương mại."
Phát biểu của ông Tập Cận Bình dường như nhằm đáp lại tuyên bố trước đó của Tổng thống đắc cử Mỹ, chỉ trích Trung Quốc đã "đánh cắp" hàng triệu việc làm của Mỹ khi làm tràn ngập thị trường với vô vàn sản phẩm giá rẻ bằng cách thao túng tiền tệ.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump cho biết sẽ áp thuế 45% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trước đó, trong cuộc điều trần tại Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ ngày 18/1, Bộ trưởng Thương mại được đề cử của Mỹ Wilbur Ross cũng đã cáo buộc Trung Quốc áp dụng mức thuế quan cao và các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu. Tỷ phú Ross cảnh báo các nước không tạo ra môi trường thương mại công bằng sẽ bị "trừng phạt nặng nề."
Đáp trả lại, ngày 19/1, Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ quan điểm của Bộ trưởng Thương mại được đề cử của Mỹ Wilbur Ross khi ông này cho rằng Trung Quốc là "nước bảo hộ thương mại mạnh nhất" trong số các cường quốc kinh tế.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) khẳng định tình hình thực tế trái ngược với quan điểm trên.
Bà nhấn mạnh Trung Quốc là nền kinh tế tích cực nhất trong việc thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu./.