Ông Suthep lần đầu công khai mục tiêu đóng cửa Bangkok

Thủ lĩnh biểu tình Suthep lần đầu tiên công khai tuyên bố mục tiêu của chiến dịch đóng cửa Bangkok do ông phát động.
Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban lần đầu tiên công khai tuyên bố
mục tiêu của chiến dịch đóng cửa Bangkok. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 14/1, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch đóng cửa Bangkok cho tới khi Phong trào biểu tình của ông giành chiến thắng và buộc chính phủ tạm quyền hiện nay phải ra đi.

Đây là lần đầu tiên ông Suthep công khai tuyên bố mục tiêu của chiến dịch đóng cửa Bangkok do ông phát động. Tuyên bố này cũng là nhằm chứng minh lời dự báo về sức nóng của phong trào gây tê liệt thủ đô sẽ giảm đi sau ba ngày nữa là hoàn toàn sai lầm.

Theo ông Suthep, người biểu tình không có ý định gây trở ngại cho cuộc sống của người dân thủ đô mà mục tiêu chính của họ là ngăn cản công nhân viên chức chính phủ làm việc để tiến tới đóng cửa các cơ quan nhà nước.

Ông này kêu gọi công nhân viên chức, lực lượng cảnh sát và quân đội bảo vệ người tham gia biểu tình bởi nếu có xảy ra bạo lực thì đều là do các phe cánh của chính phủ gây ra.

Các cuộc biểu tình của phong trào chống chính phủ cho đến nay đã ít nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế và cuộc sống sinh hoạt ở thủ đô, nhưng người biểu tình sẽ không nhượng bộ và cũng không đối thoại với chính phủ tạm quyền hiện nay.

Ông Suthep khẳng định bác bỏ mọi đề xuất của thủ tướng nhằm tổ chức một cuộc gặp hay thảo luận về việc hoãn bầu cử do Ủy ban bầu cử khởi xướng. Cuộc gặp này được dự kiến sẽ diễn ra vào 15/1 và được giao cho Phó thủ tướng Phongthep Thepkanchana chủ trì.

Ông này cho rằng cánh cửa cho các cuộc đàm phán đều đã bị đóng vì vậy không cần phải thương thuyết gì nữa. Những ai muốn làm trung gian hòa giải thì hãy quên ngay ý tưởng đó đi bởi không thể có một giải pháp chiến thắng cho cả hai phía. Sẽ chỉ có kết quả là một bên thắng và bên kia thua cuộc. Người dân Thái Lan đã hoàn toàn chán ngán chế độ Thaksin.

Người biểu tình vẫn luôn đòi hỏi Thủ tướng Yingluck Shinawatra cùng toàn bộ Nội các phải từ chức để mở đường cho việc thành lập một chính quyền lâm thời. Kế hoạch của Phong trào biểu tình là lập ra một Hội đồng nhân dân để thực hiện cải cách trước khi có thể tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới.

Phong trào biểu tình chống chính phủ cho rằng cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 tới là bất hợp pháp và cần phải bị ngăn cản bởi đảng Dân chủ đối lập đã tảy chay nó.

Tuy nhiên, ông Phongthep đã tuyên bố không thể hoãn được ngày bầu cử và Thủ tướng cũng không thể từ chức.

Ông này đưa ra lập luận rằng không có điều luật nào cho phép chính phủ trì hoãn bầu cử cũng như cho phép Thủ tướng tạm quyền được từ chức, nhưng chính phủ sẵn sàng đối thoại với người biểu tình để tìm ra các giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ông Phongthep cho rằng cách duy nhất để giải quyết xung đột là tất cả các bên phải gặp nhau, với sự tham dự của Tòa án hiến pháp nhằm thảo luận liệu có hay không khả năng trì hoãn được một cuộc bầu cử. Đây là cách duy nhất để thực hiện một cuộc cải cách thực sự.

Có khả năng Tòa án hiến pháp Thái Lan sẽ được đề nghị ra phán quyết liệu bên nào sẽ chịu trách nhiệm ban hành đạo luật hoãn bầu cử nếu chính phủ không đồng tình với đề xuất hoãn tổng tuyển cử của Ủy ban bầu cử quốc gia.

Ủy ban bầu cử từng đề nghị chính phủ ra một sắc lệnh của Hoàng gia để hoãn cuộc bầu cử ngày 2/2 vì những lý do lãng phí công quỹ và không giải quyết định xung đột. Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa chấp thuận cũng như có câu trả lời chính phủ về chuyện này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục