Ông Obama kêu gọi cải cách tư pháp sau cái chết của George Floyd

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã viết một bài luận kêu gọi cả nước bắt tay thực hiện cải cách tư pháp hình sự và giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc có hệ thống.
Ông Obama kêu gọi cải cách tư pháp sau cái chết của George Floyd ảnh 1Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: variety)

Sau cái chết của George Floyd, một người Mỹ da màu dưới tay cảnh sát tại Minneapolis cùng những cuộc biểu tình nổ ra trên toàn quốc hồi cuối tuần vừa qua, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã viết một bài luận kêu gọi cả nước bắt tay thực hiện cải cách tư pháp hình sự và giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc có hệ thống.

"Làn sóng các cuộc biểu tình trên khắp đất nước đại diện cho một nỗi thất vọng thực sự và chính đáng với sự thất bại suốt nhiều thập kỷ trong việc cải cách hoạt động của cảnh sát và rộng hơn là hệ thống tư pháp hình sự tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ," ông Obama viết trong một bài đăng trên trang Medium.

"Đa số những người tham gia biểu tình đều ứng xử một cách hòa bình, can đảm, dám chịu trách nhiệm và đầy cảm hứng. Họ xứng đáng được chúng ta tôn trọng và ủng hộ, thay vì bị lên án - điều mà cảnh sát ở các thành phố như Camden và Flint đã hiểu được."

Trước đó, ông Obama đã lên tiếng trước cái chết của Floyd và bày tỏ rằng việc đối xử với từng người dân Mỹ căn cứ theo chủng tộc của họ "không thể tiếp tục là chuyện 'bình thường' trong năm 2020”. Ông cũng lên án những hành vi bạo lực đã xảy ra tại một số cuộc biểu tình.

"Đừng viện lý do cho bạo lực, cũng đừng hợp lý hóa hay tham gia vào đó," ông Obama viết. "Nếu chúng ta muốn hệ thống tư pháp hình sự, và cả xã hội Hoa Kỳ nói chung, hoạt động ở mức độ đạo đức cao hơn, chúng ta phải thay đổi kiểu mẫu định hình nên chúng ta."

[Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy George Floyd đã bị sát hại]

Ông nhắc đến các cuộc bầu cử như một lực lượng tạo ra sự thay đổi, và lên án quan điểm rằng việc bỏ phiếu sẽ không tạo ra sự khác biệt nào.

"Kết luận là thế này: nếu chúng ta muốn mang đến sự thay đổi thực sự, vậy thì điều chúng ta cần làm không phải là lựa chọn giữa biểu tình và chính trị. Chúng ta phải làm cả hai. Chúng ta phải huy động lực lượng để năng cao nhận thức, chúng ta phải tổ chức và bỏ phiếu để bảo đảm bầu ra những ứng viên sẽ thực hiện cải cách," ông viết.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của không chỉ các cuộc bầu cử ở cấp quốc gia, mà còn cả các cuộc bầu cử ở cấp bang và cấp địa phương, nhưng nơi mà ông cho rằng việc cải cách hệ thống cảnh sát và tư pháp hình sự là cần thiết nhất.

Ông Obama kêu gọi cải cách tư pháp sau cái chết của George Floyd ảnh 2Người biểu tình tuần hành tại Washington D.C., Mỹ ngày 29/5/2020, bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của người da màu George Floyd. (Ảnh: THX/TTXVN)

"Các thị trưởng và các quan chức điều hành các quận là những người bổ nhiệm hầu hết các cảnh sát trưởng và đàm phán các thỏa thuận thương lượng tập thể với các công đoàn cảnh sát," ông viết. "Các ủy viên công tố quận và bang là những người quyết định có điều tra và buộc tội những người có liên quan đến việc cảnh sát có hành vi sai trái hay không. Tất cả những vị trí đó đều được bầu ra."

Ông Obama cũng nhắc tới việc tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp, nhất là trong giới trẻ, và lưu ý rằng họ là những người có thể dùng số lượng để tạo ra sự khác biệt tại điểm bỏ phiếu.

"Mấu chốt của biểu tình là nâng cao nhận thức của công chúng, khiến họ nhận ra sự bất công và tạo ra sức mạnh," ông nói. "Thực tế, trong suốt lịch sử nước Mỹ, hệ thống chính trị chỉ để tâm đến những cộng đồng bên lề khi vấp phải các cuộc biểu tình và bất tuân dân sự."

Ông tiếp tục: "Nhưng đến cuối cùng, những nguyện vọng phải được biến thành những điều luật và hiến pháp cụ thể - và trong một nền dân chủ, điều đó chỉ xảy ra khi chúng ta bầu ra những quan chức chính phủ có thể đáp ứng những nhu cầu của chúng ta."

Tóm lại, Obama cho biết ông vẫn lạc quan về tương lai, chừng nào "chúng ta biến sự tức giận chính đáng của mình thành hành động hòa bình, bền vững và hiệu quả."

"Tôi nhận ra rằng vài tháng vừa qua thật vất vả và chán nản - rằng nỗi sợ hãi, phiền muộn, sự bấp bênh và khó khăn mà đại dịch mang đến đã trở nên phức tạp hơn bởi những lời nhắc nhở đầy bi kịch rằng thành kiến và sự bất bình đẳng vẫn định hình cuộc sống của rất nhiều người Mỹ," ông kết luận.

"Nhưng khi chứng kiến tinh thần hoạt động dâng cao của giới trẻ thuộc mọi sắc tộc và ở khắp mọi nơi trong những tuần gần đây, tôi lại cảm thấy tràn đầy hy vọng../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục