Ông nội Vũ Tú Nam từng là ‘kho truyện khổng lồ' của siêu mẫu Hà Anh

Đối với siêu mẫu Vũ Hà Anh, nhà văn quá cố Vũ Tú Nam không chỉ là một người ông mà còn là một người cha vĩ đại và đầy yêu thương.
Ông nội Vũ Tú Nam từng là ‘kho truyện khổng lồ' của siêu mẫu Hà Anh ảnh 1Vũ Hà Anh bên ông bà nội, nhà văn, nhà báo Vũ Tú Nam và nhà báo Thanh Hương. (Ảnh: NVCC)

Nhà văn Vũ Tú Nam ra đi do tuổi cao sức yếu ở tuổi 92, ông không chỉ để lại khối lượng tác phẩm lớn cho văn đàn Việt Nam, mà còn nhiều ký ức đẹp trong lòng gia đình, đồng nghiệp và người yêu thơ văn nước nhà.

Vũ Hà Anh, hay được biết đến là siêu mẫu Hà Anh là cháu đầu tiên của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam-Thanh Hương, con gái lớn của họa sỹ thiết kế thuộc hãng phim truyện Việt Nam, Nghệ sỹ Ưu tú Vũ Huy. Chia sẻ với VietnamPlus, Hà Anh cho biết cô nhớ nhiều kỷ niệm giản đơn, nhưng đầy ắp yêu thương bên ông bà nội.

Trong số các anh chị em cùng nhà, cô có nhiều thời gian với ông bà nhất. Ông nội Vũ Tú Nam thường đóng vai trò như một “kho truyện di động” của cháu gái mình. “Ông kể cho Hà Anh nghe những câu chuyện ‘tức thì’ theo chủ đề tôi yêu cầu. Tôi đặc biệt thích nghe những chuyện sơ tán ở quê, những câu chuyện có tính phiêu lưu, có sự tinh nghịch,” siêu mẫu hồi tưởng.

Ông nội Vũ Tú Nam từng là ‘kho truyện khổng lồ' của siêu mẫu Hà Anh ảnh 2Ảnh chụp ông bà và các anh chị em của Hà Anh, khoảng cuối những năm 1980. (Ảnh: NVCC)

Hà Anh nhớ lại những dịp cuối tuần hồi cô còn nhỏ, bố mẹ đưa cô tới chơi nhà ông bà và ngủ lại, ông nội thường cho cô gối đầu lên tay, rồi cô chìm vào giấc ngủ khi nằm giữa ông bà nội mình. Ông yêu đôi bàn tay của Hà Anh và còn tỉ mẩn, cẩn thận tự cắt móng tay cho cháu...

Không chỉ để lại những thông điệp, bài học cuộc sống trên những trang văn, cố nhà văn Vũ Tú Nam thường thủ thỉ, trò chuyện và dạy bảo Hà Anh nhiều điều.

Đối với cô gái, nhà văn quá cố Vũ Tú Nam không chỉ là một người ông mà còn là một người cha vĩ đại và đầy yêu thương.

Ông nội Vũ Tú Nam từng là ‘kho truyện khổng lồ' của siêu mẫu Hà Anh ảnh 3Nhà phê bình, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân (Ảnh: Facebook nhân vật)

Nhớ về người thủ trưởng cũ của mình, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân đã mô tả Vũ Tú Nam là “một nhà văn viết cho thiếu nhi có trách nhiệm, đem văn hóa vào làm nội dung truyện cho độc giả nhỏ tuổi,” bên cạnh những tác phẩm văn học cho người trưởng thành như “Bên đường 12”, “Quê hương” (1960), “Sống với thời gian hai chiều” (1983) và nhiều tác phẩm khác.

Những năm 1976-1989, nhà văn Vũ Tú Nam là Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm Mới(tiền thân của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn), đây chính là cơ quan mà các nhà văn, phê bình Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Lê Minh Khuê, Ý Nhi, Bằng Việt, Ngô Văn Phú, Nguyễn Phan Hách, Trần Vũ Mai, Thái Bá Tân, Vũ Đình Bình... có thời gian làm việc với giám đốc Vũ Tú Nam.

Ông nội Vũ Tú Nam từng là ‘kho truyện khổng lồ' của siêu mẫu Hà Anh ảnh 4Tác phẩm thiếu nhi được biết đến nhiều nhất của cố nhà văn, bên cạnh những "Chuyện rùa vàng," "Mây hồng," "Hoa lá trong vườn"... (Ảnh: NXB Kim Đồng)

Liên hệ với thời kỳ hiện nay, nhà phê bình cho biết chúng ta cần những nhà văn thiếu nhi với tinh thần viết của Vũ Tú Nam, Võ Quảng, Phạm Hổ... Truyện "Văn Ngan tướng công" của nhà văn Vũ Tú Nam về cuộc phiêu lưu của một chú ngan có mô-típ tương tự “Dế mèn phiêu lưu ký.” Dù không xuất sắc nhưng “Văn Ngan tướng công” đã được nhà xuất bản Kim Đồng tái bản một vài lần, cho thấy cuốn truyện có một chỗ đứng riêng trong lòng độc giả nhí thế hệ 8X. 

“Hiện nay sách thiếu nhi rất phát triển, nhưng đa số là các tác phẩm dịch của nước ngoài, tác phẩm của nhà văn trong nước thì rất ít. Nhớ lại thời kỳ của những Vũ Tú Nam, Võ Quảng, Phạm Hổ, Nguyễn Hùng, … họ đều là những nhà văn viết cho trẻ em với tinh thần trách nhiệm cao, nội dung mang tính giáo dục rõ rệt, và khá thích hợp cho trẻ em, tuy còn hạn chế về sức hấp dẫn.

Ngoài ra, Vũ Tú Nam còn là một dịch giả chuyên dịch thơ, văn xuôi của các nước Đông Âu, nhà phê bình Lại Nguyên Ân nhận xét rằng người thủ trưởng cũ của mình làm tốt vai trò cầu nối giữa độc giả trong nước với văn học nước ngoài.

Ông nội Vũ Tú Nam từng là ‘kho truyện khổng lồ' của siêu mẫu Hà Anh ảnh 5Tác phẩm "Chuyện thường ở huyện" của nhà văn người Nga Valentin Ovechkin.

“Thời kỳ đầu những năm 1980s, đời sống đất nước, đời sống văn học đang mở ra, như đêm trước của “Đổi mới”. Giám đốc, nhà văn Vũ Tú Nam, có cái nhìn cởi mở và đánh giá tốt về những tác phẩm được dịch sang tiếng Việt cho độc giả quê nhà.” - ông Lại Nguyên Ân nhận xét.

“Nhà xuất bản đã cho dịch nhiều tác phẩm của Liên Xô, tiêu biểu là cuốn ‘Chuyện thường ngày ở huyện’ - một câu chuyện cởi mở về mô hình tổ chức sản xuất ở những nước xã hội chủ nghĩa và nhận được nhiều sự hoan nghênh. Ông Vũ Tú Nam còn tâm huyết cử các đoàn cán bộ tới các địa phương để nói chuyện về tác phẩm này.”

Trước khi là một cây bút viết văn, nhà văn Vũ Tú Nam là một quân nhân, nhập ngũ từ năm 1947, trải qua nhiều vị trí trong công tác tuyên huấn quân đội, viết báo, sáng tác văn thơ. Ông là một trong những biên tập viên đầu tiên của báo “Vệ quốc quân”, tiền thân của báo “Quân đội nhân dân”. 

Một trong những gặt hái đầu tiên của ông là đạt Giải nhất văn xuôi Trại văn nghệ Lam Sơn liên khu 4 chotác phẩm “Bên đường 12” (1950) lấy bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp.

Vũ Tú Nam thuộc thế hệ biên tập viên đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội sau đó trở thành cán bộ văn nghệ thuộc Cục Tuyên huấn với cấp bậc tương đương Thiếu tá. Từ 1959 ông ra quân, chuyển sang ngạch dân sự, lần lượt làm Thư ký tòa soạn báo “Văn học”, Phó tổng biên tập báo “Văn nghệ,” Giám đốc nhà xuất bản Tác Phẩm Mới.

Tại đại hội nhà văn lần thứ tư (1989), ông được bầu vào Ban chấp hành và được Ban chấp hành bầu làm Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam khóa IV (1989-1995). Vũ Tú Nam là Đại biểu Quốc hội khóa IX (1992-1997). Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I (năm 2001)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục