Ông Nguyễn Thanh Nghị được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang

Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa IX, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang khóa X.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang khóa X phát biểu tại phiên bế mạc Đại hội. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Chiều 17/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, đã bế mạc sau 3 ngày làm việc.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X gồm 56 người và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII gồm 17 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết.

Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang khóa X đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 16 người, bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 người.

Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa IX, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang khóa X với gần 100% số phiếu.

Trong 5 năm tới (2015-2020), Đảng bộ tỉnh Kiên Giang tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển và du lịch; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước đồng bộ. Phát huy sức mạnh toàn dân, huy động mọi nguồn lực khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân. Tăng cường quốc phòng-an ninh, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc.

Tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8,5%/năm trở lên. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người 3.000 USD; sản lượng lương thực 5 triệu tấn, khai thác và nuôi trồng thủy sản 755.505 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12%/năm; kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD; thu ngân sách gấp 2 lần trở lên so với năm 2015; giải quyết việc làm từ 35.000-40.000 lao động/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1-1,5%/năm; huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 khoảng 255.000 tỷ đồng.

Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020, giáo dục-đào tạo của tỉnh đạt mức khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trên mức bình quân chung cả nước; chăm lo phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững.

Trong 5 năm tới, Kiên Giang xác định 3 khâu đột phá gồm: Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển; tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; xây dựng, phát triển huyện đảo Phú Quốc theo mô hình đặc khu kinh tế để trở thành động lực phát triển của tỉnh. Tỉnh tiếp tục đề nghị chia tách địa giới hành chính, thành lập 2 huyện mới là Thổ Châu và Sơn Thành.

Tỉnh thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ; phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó phát triển du lịch biển đảo, trọng tâm là xây dựng đảo Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, hiện đại và phát triển kinh tế hàng hải, dầu khí.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh công nghiệp phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất và đời sống; xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển và hội nhập quốc tế.

Tỉnh đầu tư xây dựng đồng bộ, từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là những dự án, công trình có tính đột phá như: Đường hành lang ven biển phía Nam, đoạn Hà Tiên-Rạch Giá; đường Hồ Chí Minh, đoạn Lộ Tẻ-Rạch Sỏi; Quốc lộ 63; các tuyến đường đê biển trọng yếu; hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tập trung; đầu tư tuyến đê biển Tây từ Hà Tiên đến An Minh; đê sông Cái Bé và sông Cái Lớn…

Xây dựng chương trình phát triển giữa các vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, U Minh Thượng và vùng biển đảo; đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển toàn diện với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là vùng kinh tế trọng điểm 4 tỉnh, thành là Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang.

Đảng bộ tỉnh tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng mối quan hệ Đảng - Dân vững chắc; tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục