Ông Macron thăm Mỹ với vai trò mong muốn là “người đối thoại châu Âu"

Để đóng được vai trò “người đối thoại của châu Âu” với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tận dụng bối cảnh hai đồng minh lớn châu Âu của Mỹ gặp bất lợi.
Ông Macron thăm Mỹ với vai trò mong muốn là “người đối thoại châu Âu" ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Washington, DC ngày 23/4. (Ảnh: AFP/TXTVN)

Ngày 23/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Washington lúc 13 giờ (giờ địa phương), bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước kéo dài ba ngày theo lời mời của người đồng cấp Mỹ Donald Trump.

Đặt chân đến đất Mỹ, người đứng đầu nước Pháp khẳng định chuyến thăm này “rất quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay có nhiều bất ổn, phức tạp và cả những mối đe dọa."

Theo ông Macron, Mỹ cũng như Pháp có “một trách nhiệm đặc biệt” trong việc đảm bảo chủ nghĩa đa phương hiện đại và sẽ có rất nhiều quyết định quan trọng thông qua cuộc hội đàm giữa hai Tổng thống.

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Macron sẽ có cuộc hội đàm diễn ra ngày 24/4 tại Nhà Trắng.

Tại cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng cùng quan tâm, trong đó có thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết vào năm 2015 (hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) mà ông Trump đe dọa sẽ rút bỏ.

Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về mức thuế quan mới của Mỹ đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu được áp dụng đối với nhiều quốc gia, trong đó có một số nước châu Âu.

Vấn đề Syria cũng sẽ là một trong những vẫn đề được nhà lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận. Tổng thống Pháp Macron cho biết ông tin rằng ông sẽ thuyết phục được Tổng thống Trump tiếp tục duy trì quân đội Mỹ ở Syria.

Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Pháp Macron và Thổng thống Mỹ sẽ có cuộc họp báo chung.

Ông Macron cũng sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn Pháp và Mỹ trong cùng ngày, trước khi dự tiệc chiêu đãi Nhà nước tại Nhà Trắng.

Ngày 25/4, Tổng thống Macron sẽ phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội Mỹ, đánh dấu tròn 58 năm cựu Tổng thống Pháp Charles de Gaulle tham gia sự kiện này.

Kể từ khi lên nắm quyền, cả Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên bất chấp những bất đồng về thương mại và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trước đó, thông cáo của điện Elysée nhấn mạnh, lời mời của Tổng thống Trump phản ánh “mối quan hệ lịch sử sâu sắc giữa hai nước vừa là bạn, vừa là đồng minh và cũng phản ánh mối quan hệ vững chắc giữa hai vị Tổng thống.”

Để đóng được vai trò “người đối thoại của châu Âu” với Tổng thống Mỹ, ông Macron đã tận dụng bối cảnh hai đồng minh lớn châu Âu của Mỹ gặp bất lợi.

Thủ tướng Anh Theresa May đang bối rối với Brexit, khó duy trì được truyền thống “quan hệ đặc biệt” giữa London và Washington, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel, đang bị yếu thế sau sáu tháng thương lượng lập chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục