Tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra từ ngày 11 đến 13/12, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh đã bầu bổ sung ông Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Chí Linh, giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021.
Ông Lưu Văn Bản sinh ngày 23/7/1966. Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ Quản trị kinh doanh. Trình độ Lý luận chính trị: Cử nhân. Ông Lưu Văn Bản đã từng giữ các chức vụ: Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương; Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hải Dương; Bí thư Thị ủy Chí Linh; Bí thư Thành ủy Chí Linh.
Tại kỳ họp, Đại tá Lê Ngọc Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, được bầu làm Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021. Kỳ họp tiến hành miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đối với ông Nguyễn Anh Cương để nghỉ hưu theo chế độ; miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh đối với Đại tá Vũ Thanh Chương do chuyển công tác khác.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVI cũng đã thông qua nghị quyết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020. Theo đó, năm 2020, Hải Dương phấn đấu đạt một số chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường gồm: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng từ 8,5% trở lên; thu ngân sách nội địa đạt 13.645 tỷ đồng, tăng 13,1% so với dự toán năm 2019; 100% số xã được công nhận xã nông thôn mới; giải quyết việc làm mới cho 35.500 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,2%, hộ cận nghèo giảm 0,5%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 99%...
Phát biểu tại Kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh khẩn trương chỉ đạo rà soát các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, có kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành, địa phương để phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Ủy ban Nhân dân tỉnh cần chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 sát với tình hình thực tế; thực hiện điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung nguồn lực, quyết liệt chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng, hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, dự án lớn của tỉnh.
Hải Dương cũng cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, coi trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; quyết tâm xây dựng mỗi xã một sản phẩm đặc trưng, trong đó, có từ 10-12 sản phẩm mang thương hiệu cấp tỉnh và quốc gia. Tỉnh cần tập trung rà soát, đôn đốc hướng dẫn các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp để hết năm 2020, Hải Dương có 20.000 doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Với định hướng, Hải Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh hoàn chỉnh việc lập quy hoạch vùng huyện, trong đó chú trọng việc tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển các đô thị động lực của tỉnh; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chuẩn bị tốt các điều kiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới; tổ chức, sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập hợp lý.
Hải Dương cần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế, phát triển cân đối hệ thống y tế công-tư nhằm tạo ra sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông, nạn cờ bạc, tín dụng đen, trộm cắp; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Hải Dương vẫn đạt 8,55% (vượt kế hoạch đề ra). Trong đó, công nghiệp vẫn khẳng định vai trò là động lực trong tăng trưởng, đưa tỷ trọng công nghiệp-dịch vụ chiếm 91,2%, nông nghiệp còn 8,8% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tổng số vốn đầu tư đăng ký trong và ngoài nước đạt gần 30.000 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư nước ngoài đạt 819 triệu USD, tăng 26% so với năm 2018.
Năm 2019, với cách làm mới được triển khai đúng lộ trình, tiếp tục làm thay đổi rõ rệt diện mạo các làng quê; đến nay, toàn tỉnh đã có 201/220 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 91,4%; đến hết năm 2019, có 8/12 đơn vị cấp huyện hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.
Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư; sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, tinh giản biên chế được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực.
Đến nay, Hải Dương đã hoàn thành việc sáp nhập 55 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 30 đơn vị; sắp xếp, sáp nhập 315 thôn, khu dân cư, giảm 135 thôn, khu dân cư, bảo đảm ổn định, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.../.