‘Ông lớn’ Vinalines đạt doanh thu gần 2.900 tỷ đồng trong quý 1

Dòng tiền chủ yếu đến từ những trụ cột chủ lực của đơn vị gồm vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải đã giúp Vinalines cán mốc doanh thu quý 1 tới gần 2.900 tỷ đồng.
‘Ông lớn’ Vinalines đạt doanh thu gần 2.900 tỷ đồng trong quý 1 ảnh 1Bốc dỡ container tại cảng biển Hải Phòng của Vinalines. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Tin từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho hay, trong quý 1/2019, tổng doanh thu của đơn vị này đạt gần 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận 46 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền chủ yếu đến từ những trụ cột chủ lực là khối vận tải biển (khoảng 1.204 tỷ đồng), khối cảng biển (đạt 1.087 tỷ đồng), doanh thu còn lại thuộc về khối dịch vụ hàng hải.

Cụ thể, sản lượng của khối vận tải biển ước đạt hơn 5,2 triệu tấn, trong đó sản lượng container đạt khoảng 74.000 Teus. Khối cảng biển có sản lượng hàng hóa thông qua đạt gần 24 triệu tấn (tăng 24% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó sản lượng container đạt hơn 1.150 Teus (tăng 42,1 so với cùng kỳ).

[Con tàu Vinalines: Hồi sinh từ ‘bùn lầy’ để vươn mình ra khơi]

Thừa nhận trong quý 1 ngành hàng hải vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng Giám đốc Vinalines chỉ ra nguyên nhân là do giá nhiên liệu, dầu nhờn tăng so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, thị trường vận tải nội địa bị ảnh hưởng do kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài, sau Tết các chủ hàng vẫn chưa có nhiều nhu cầu về vận chuyển; sự cạnh tranh giữa các hãng tàu, làm giá cước vận tải container nội địa ở mức thấp, dẫn đến hiệu quả khai thác giảm…

“Riêng khối dịch vụ hàng hải, lợi nhuận đạt mức thấp do một số nguyên nhân chính như giá cước bất ổn sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài, thị trường khai thác bãi container và kho tiếp tục cạnh tranh gay gắt do nguồn cung tăng; một số hãng tàu chuyển sang khai thác ở khu vực Đình Vũ và bắt đầu sử dụng cảng Lạch Huyện; các doanh nghiệp chủ động trong việc linh hoạt giá cả, giảm giá để giữ chân khách hàng, duy trì lợi nhuận bằng cách tăng sản lượng để bù đắp giá thấp…,” ông Tĩnh cho hay.

Đề cập về xu hướng vận tải biển và dịch vụ logistics của quý 2, theo ông Tĩnh, hầu hết báo cáo và dự đoán của các hãng tư vấn đều cho rằng do kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm trong giai đoạn 2019-2020 nên khối lượng container vận chuyển trên tuyến nội Á sẽ bị ảnh hưởng. Dự báo, khối lượng container vận chuyển trên các tuyến nội Á chỉ tăng từ 3,4-3,5% trong giai đoạn 2019-2020.

Trong khi đó, các hãng vận chuyển container lớn lại thi nhau mở thêm tuyến hoặc tăng trọng tải tàu trên các tuyến nội Á. Khi lượng hàng không tăng nhưng số lượng tàu lớn tăng đột biến và các tàu mới được đưa vào khai thác trên các tuyến nội Á sẽ khiến các hãng tàu nhỏ, sử dụng tàu cũ sẽ đứng trước nguy cơ bị thôn tính hay sáp nhập.

Bày tỏ sự kỳ vọng thị trường tàu hàng khô trong quý 2 sẽ có sự khởi sắc hơn nhưng người đứng đầu Vinalines nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với nhóm tàu cỡ nhỏ, thị trường hàng hóa hiện rất khan hiếm.

“Vinalines tiếp tục đàm phán với các tổ chức tín dụng để tái cơ cấu các khoản nợ của Tổng công ty. Dự kiến, đầu quý 2 này, Tổng công ty sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông, chính thức chuyển sang mô hình mới với thương hiệu VIMC,” ông Tĩnh tiết lộ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục