"Khắc bút bằng tay, hai phút lấy ngay" là tấm biển đầu tiên đưa ông Lê Văn Quý vào nghề. Đã bước gần đến tuổi 80, hàng ngày ông vẫn mở hàng bên cạnh đền Bà Kiệu (Hồ Gươm) dù hiếm khi có khách.
Lần giở hộp đồ nghề đã hoen gỉ với bút khắc tự chế có cán buộc dây chun và đầu kim loại được mài nhọn, hai chiếc bút bi, vài mẩu màu sáp, ông Quý trầm ngâm nhớ lại: “Sau những ngày đầu thử nghề đóng giày da, vẽ truyền thần, tôi nhận thấy sự hấp dẫn của việc khắc bút thủ công. Tôi đi khắp các cửa hàng bán đồ văn phòng phẩm để xin hoặc mua lại những chiếc bút hoặc vỏ bút vỡ, hỏng và compa để về tập khắc. Viết lên giấy thì dễ chứ khắc lên thân bút khó vô cùng vì vừa tròn, vừa trơn.”
Hơn hai tháng miệt mài tập luyện, ông Quý xách đồ nghề ra gốc cây si cạnh đền Bà Kiệu mở quán, khi ấy ông mới ngoài 20 tuổi. Ngoảnh đi ngoảnh lại, cái góc nhỏ này đã gắn bó với ông hơn nửa thế kỷ.
Nghề khắc bút thời ấy tuy “chỉ làm đẹp chứ không làm giàu” nhưng cũng đủ để ông phụ giúp vợ nuôi con cái trưởng thành. Vuốt lại mái tóc đã bạc trắng, ông Quý nhớ rất rõ: “Thời ấy giá một bát phở 3 hào, khắc bút 2 hào một chiếc. Nếu khách yêu cầu vẽ hình phức tạp có thể trả tới 5 hào. Chỉ cần ngày có chục khách là đủ sống.”
Thời hưng thịnh của nghề, có ngày ông khắc tới ba chục chiếc bút. Đó là lúc thanh niên sắp lên đường nhập ngũ được phát tặng khăn mặt, kem đánh răng, quyển sổ, chiếc bút làm quà, khi đi thăm phố phường, ra Bờ Hồ ăn kem sẽ không quên ghé vào mấy cửa hàng khắc bút. Họ yêu cầu khắc lên thân bút tên, ngày sinh, ngày nhập ngũ hoặc vẽ hình đôi chim bồ câu, khung cảnh quê hương tặng bạn gái. Chiếc bút cùng người lính vào sinh ra tử hoặc theo họ về thế giới bên kia.
Có kỷ niệm khiến ông Quý không khỏi bùi ngùi mỗi lần nhắc lại: “Có cụ già đến gặp tôi cảm ơn. Nhờ chiếc bút khắc tên, tuổi cho cậu con trai đã hy sinh của ông mà gia đình tìm được hài cốt.” Cũng có người tìm đến ông mang theo chiếc bút với dòng chữ “Lần đầu về thăm thủ đô” có hình tháp Rùa, cầu Thê Húc được gìn giữ cẩn thận suốt nhiều năm.
Khi ông Quý bước vào tuổi xế chiều cũng là lúc nghề khắc bút chìm vào quên lãng. “Tôi còn làm nghề là vì nuối tiếc, không muốn rời xa nó và cũng không còn gánh nặng cơm áo như xưa” - vừa “múa” chữ ông vừa tâm sự.
“Tôi thấy bảo ở Thanh Hóa có một anh thợ khắc bút đẹp lắm, cứ muốn đi thăm mà không có điều kiện, ba năm rồi không chắc người ta còn làm nghề.”
Có lẽ không chỉ riêng ông, với nhiều người hình ảnh người khắc bút rong thực sự đã lùi vào dĩ vãng./.