Ông Kim Jong-un có ẩn ý gì khi đề cập đến "con đường khác"?

Trong bài diễn văn chào Năm Mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cảnh báo rằng ông có thể sẽ "đi con đường khác" nếu Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm vận và trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Ông Kim Jong-un có ẩn ý gì khi đề cập đến "con đường khác"? ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: New York Post)

Trong bài diễn văn chào Năm Mới vào ngày 1/1/2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cảnh báo rằng ông có thể sẽ "đi con đường khác" nếu Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm vận và trừng phạt đối với Bình Nhưỡng trong bối cảnh Triều Tiên đang thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ông Kim Jong-un không nói rõ "con đường khác" là như thế nào, song ai cũng có thể nhận thấy rằng lời cảnh báo này gần giống với những phát biểu hung hăng mà Bình Nhưỡng thường xuyên đưa ra trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi năm ngoái.

Giới chuyên gia cho rằng ông Kim Jong-un khó đảo ngược được sự "phá băng" mà 2 nước Mỹ-Triều khó khăn lắm mới có được, và Bình Nhưỡng không có lựa chọn nào ngoài việc vận động trực tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dấu hiệu gây nản lòng?

Trong cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump hồi tháng 6/2018 ở Singapore, ông Kim Jong-un đã cam kết đi theo con đường phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó hầu như không có tiến triển nào đạt được.

Tháng 11/2018, một cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều (từng được lên kế hoạch giữa hai phía) đã đột ngột bị hủy. Triều Tiên yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với nước này và tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên để đáp lại việc Bình Nhưỡng đóng cửa cơ sở thử vũ khí hạt nhân Punggye-ri và một cơ sở thử động cơ tên lửa.

Tuy nhiên, Washington dường như vẫn phớt lờ các yêu cầu đó của Bình Nhưỡng.

Vipin Narang, Giáo sư về khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định: “Thông điệp của ông ấy (Kim Jong-un) là ‘chúng tôi đã làm những gì chúng tôi hứa ở Singapore, trong khi phía Mỹ hầu như chẳng làm gì."

"Con đường khác" là gì?

Truyền thông Nhà nước Triều Tiên đã tăng cường chỉ trích Mỹ và cảnh báo rằng 2 nước sẽ trở lại thời kỳ đối đầu nếu các biện pháp trừng phạt và gây sức ép vẫn được Mỹ áp đặt đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng điều đó chỉ cho thấy sự thất vọng của Bình Nhưỡng chứ không phải là "con đường khác" như họ nói.

Cheong Seong-chang, học giả cao cấp tại Viện Sejong của Hàn Quốc, nói:“Bài diễn văn của ông ấy nhấn mạnh yêu cầu phải có một thỏa thuận công bằng và không thể đảo ngược."

[Nhìn lại thế giới 2018: Điều gì xảy ra sau thượng đỉnh Mỹ-Triều?]

Giới chuyên gia cho rằng "con đường khác" có thể tập trung vào những nhượng bộ không liên quan đến việc giải trừ hạt nhân nói chung và sẽ đi theo hướng cam kết "hành động đáp trả lại hành động".

Ngày 2/1, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói rằng họ không thể phỏng đoán về "con đường khác" mà Kim Jong-un nói tới, nhưng họ thấy Kim Jong-un rõ ràng rất quyết tâm từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và cải thiện quan hệ với Mỹ thông qua việc lần đầu tiên đề cập "phi hạt nhân hóa hoàn toàn."

Kim Joon-hyung, Giáo sư về chính trị quốc tế của trường Đại học Toàn cầu Handong, nói rằng một kịch bản khả dĩ là Bình Nhưỡng đóng cửa khu phức hợp hạt nhân Yongbyon như họ đã đề nghị tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 9/2018 ở Bình Nhưỡng và giải trình về một số cơ sở vũ khí để đổi lấy việc được nới lỏng cấm vận, đồng thời khởi động lại một phần các dự án kinh tế liên Triều.

Trong bài diễn văn chào Năm mới, ông Kim Jong-un nói rằng ông sẵn sàng mở cửa lại khu công nghiệp Kaesong và cho phép người dân Hàn Quốc đến khu nghỉ dưỡng Núi Kumgang ở miền Bắc mà không cần điều kiện.

Giáo sư Vipin Narang nói: “Mỹ cần phải hiểu đâu là cái giá cần phải trả để hạn chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên vì nó sẽ là một mục tiêu thực tế và quan trọng."

Triều Tiên có chuyển trọng tâm khỏi Mỹ?

Bài diễn văn chào Năm Mới của ông Kim Jong-un kêu gọi khởi động các cuộc đàm phán đa phương để chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, một ý tưởng trước đây được Hàn Quốc thúc đẩy.

Giáo sư Kim Joon-hyung cho rằng điều đó có nghĩa là Triều Tiên sẽ làm việc với Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác để gây áp lực với Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia khác, trong đó cựu đặc sứ hạt nhân của Hàn Quốc Lee Soo-hyuk, tỏ vẻ nghi ngờ về khả năng này do cuộc đàm phán song phương đang bế tắc, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và việc Trump không thích các cơ chế đa phương.

"Điều này sẽ không hề dễ dàng, và không có bên nào đạt được thành công ngay, nhưng ngoại giao là khả dĩ. Trung Quốc và các nước khác có thể được mời tham gia và đóng vai trò nào đó,” chuyên gia Patrick Cronin, người đứng đầu chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Hudson ở New York, dự đoán./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục