Ngày 19/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có bài phát biểu quan trọng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi tới thăm trụ sở Tập đoàn sản xuất máy bay nổi tiếng Boeing tại Seatle, bang Washington.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Kerry đã cương quyết bảo vệ chủ trương thúc đẩy hiệp định TPP của chính phủ khi khẳng định hiệp định này chắc chắn mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, cũng như người lao động Mỹ.
Ông Kerry cho rằng những người chỉ trích TPP hoàn toàn sai lầm khi nghi ngờ hiệp định sẽ dẫn tới tình trạng bất bình đẳng về thu nhập hay khiến người lao động Mỹ bị mất việc làm.
Trong bài phát biểu, ông Kerry thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc của những người phản đối TPP rằng hiệp định này chỉ có lợi cho các tập đoàn lớn và sẽ làm tổn thương nền kinh tế và thị trường nội địa Mỹ.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng hối thúc Quốc hội thông qua dự luật Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA), hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh nhằm tạo điều kiện cho chính quyền Tổng thống Obama sớm hoàn tất hiệp định TPP.
Ngoại trưởng Kerry nêu rõ: “TPP sẽ có lợi cho nước Mỹ. Việc chúng ta ký kết hiệp định này sẽ phát đi một thông điệp tới toàn thể khu vực và thế giới rằng nước Mỹ đang và sẽ tiếp tục là người đi tiên phong vì sự thịnh vượng và an ninh của châu Á-Thái Bình Dương."
Ông cũng nhấn mạnh Mỹ cần mở rộng các thị trường để có thể duy trì tăng trưởng. Mỹ không thể làm điều đó bằng cách đứng ngoài cuộc và "dù muốn hay không, chúng ta cũng phải chấp nhận những đổi thay của hệ thống kinh tế toàn cầu và điều quan trọng là Mỹ phải góp phần viết lên các luật chơi.”
Ông khẳng định TPP sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp Washington duy trì ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo tại châu Á-Thái Bình Dương.
Bài phát biểu được đưa ra trong bối cảnh quyền đàm phán nhanh TPA đã vượt qua rào cản lớn tại Thượng viện Mỹ hồi tuần trước khi các Thượng nghị sỹ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đạt được thỏa hiệp nhất trí đưa dự luật liên quan tới TPA ra tranh luận chính thức tại Thượng viện.
Tới nay, rào cản chính đối với TPA lại xuất hiện từ phía các Thượng nghị sỹ Dân chủ sau khi phần lớn các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ trong khi các nhà lập pháp của đảng Dân chủ, dưới áp lực của các tổ chức công đoàn, kiên quyết chống lại bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Obama.
Việc được Quốc hội Mỹ trao TPA sẽ có ý nghĩa quyết định tới quá trình đàm phán TPP vì dựa trên cơ sở đó Tổng thống Obama có toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của hiệp định TPP với 11 quốc gia đối tác.
Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản trong TPP.
Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thỏa thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013.
Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.