Ông Hữu Thỉnh là Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp các hội văn học-nghệ thuật

Ông Võ Văn Thưởng đã trao Quyết định chỉ định Đảng đoàn Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nhà thơ Hữu Thỉnh. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Ngày 21/9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tại đây, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Võ Văn Thưởng trao Quyết định chỉ định Đảng đoàn Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Theo quyết định trên, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam gồm 14 thành viên, trong đó nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam được chỉ định là Bí thư Đảng đoàn; nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam là Phó Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Thưởng đã lắng nghe ý kiến của của đại diện Đảng đoàn, các hội văn học nghệ thuật Trung ương, địa phương về đặc thù của văn học nghệ thuật.

Các đại biểu cùng thảo luận về tình hình văn học nghệ thuật hiện nay, những nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho văn học nghệ thuật trong tình hình mới cùng khó khăn, thách thức mà văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sỹ phải đối mặt.

Các đại biểu kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện tiến trình xây dựng cơ chế chính sách đối với văn học nghệ thuật, triển khai Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đề nghị Chính phủ giải quyết 25% phụ cấp công vụ cho cán bộ, công nhân viên công tác trong các Hội Văn học nghệ thuật.

Các đại biểu kiến nghị Nhà nước cần đưa cơ chế “Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật” đã được thực hiện từ năm 1999 đến nay thành chính sách thường xuyên để tạo điều kiện cho các Hội văn học nghệ thuật hoạt động ổn định, phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước; cho phép Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam xây dựng Đề án thống nhất mô hình và kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động của các Hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Võ Văn Thưởng khẳng định thời gian qua, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các tổ chức Hội, đội ngũ văn nghệ sỹ đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các sáng tạo văn học nghệ thuật. Đảng luôn đề cao vai trò của văn nghệ sỹ, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sỹ phát huy khả năng sáng tạo, có nhiều sáng tác chất lượng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước, dân tộc.

Nhờ đó, đội ngũ văn nghệ sỹ không ngừng lớn mạnh, môi trường sáng tác dân chủ được khuyến khích, hỗ trợ, văn nghệ sỹ được tiếp cận nhiều tư liệu mới, có nhiều tác phẩm tốt. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức của Liên hiệp Hội, các hội ở địa phương được củng cố, lớn mạnh; chính sách, hỗ trợ của Nhà nước đang ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện tốt hơn cho văn nghệ sỹ đóng góp cho sự nghiệp chung của Đảng, dân tộc. Với nỗ lực của mình, nhiều nhà văn, nghệ sỹ đã được trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý.

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, văn học nghệ thuật Việt Nam vẫn còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh sinh động, sâu sắc tình hình đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật thời gian qua được quan tâm song chưa đảm bảo được vai trò định hướng sáng tác. Hoạt động của các hội văn học nghệ thuật cần đầu tư thêm...

Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn coi văn học nghệ thuật là mặt trận quan trọng, tổ chức Hội là tổ chức quan trọng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất, kiến nghị giúp hoàn thiện chính sách, đường lối phát triển văn học nghệ thuật. Việc hỗ trợ cũng cần được xác định rõ đối tượng để nguồn hỗ trợ được sử dụng hiệu quả. Tổ chức bộ máy trong các Hội phải tạo được sự thống nhất, đoàn kết. Bản thân các văn nghệ sỹ cần tích cực đấu tranh, trao đổi để thúc đẩy sự phát triển...

Hiện nay, số lượng văn nghệ sỹ cả nước có trên 42.000 người, tập hợp ở 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 63 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố.

Được tiếp nhận nhiều nguồn thông tin đa chiều, văn học nghệ thuật Việt Nam có điều kiện tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đội ngũ văn nghệ sỹ mạnh dạn tìm tòi, thể nghiệm, đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật, làm tăng thêm hiệu quả của sự phản ánh, giá trị thẩm mỹ, đáp ứng thị hiếu đa dạng, phong phú của người dân.

Dù còn khó khăn, kinh phí hoạt động còn hạn chế, nhưng hầu hết các Hội đều cố gắng phát hiện, bồi dưỡng, thu hút những tài năng trẻ, nguồn kế cận đầy triển vọng của văn học nghệ thuật nước nhà. Lớp văn nghệ sỹ kế cận có sức trẻ, có tài năng tỏ rõ ưu thế cảm nhận, nắm bắt cái mới và hội nhập mạnh mẽ với thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục