Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất đến dịch vụ công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của AI cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho sinh viên Việt Nam trong việc tìm kiếm việc làm tương lai.
Các chuyên gia trong "Diễn đàn mở cơ hội nghề nghiệp sinh ra từ công nghệ mới - Giới trẻ đón nhận như thế nào?" tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC Hoà Lạc) đã có nhiều góc nhìn đáng chú ý về vấn đề này, đặc biệt là về những kỹ năng cần thiết mà sinh viên cần trang bị để có thể cạnh tranh.
Dần hình thành "tầng lớp vô dụng" vì bị AI thay thế
Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, phụ trách hoạt động đào tạo sau đại học, nhấn mạnh sự phát triển không ngừng của AI sẽ dẫn đến việc nhiều nghề cũ sẽ bị loại bỏ, trong khi những nghề mới sẽ xuất hiện.
Ông Tiến cũng chia sẻ một thông tin vào tháng 1/2024 tại Diễn đàn kinh tế thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới đã có một báo cáo gây sốt rằng vào năm 2030 có 40% người lao động toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi AI. Ông cảnh báo sẽ có một "tầng lớp vô dụng" yếu thế hơn do không thể cạnh tranh được với công nghệ.
"Với tốc độ phát triển của robot, AI như hiện nay thì 20-30% trong số chúng ta sẽ ngày càng được trọng dụng, trả lương cao hơn. Nhưng 70% còn lại sẽ rơi vào tình trạng "tầng lớp vô dụng trong tương lai gần," ông Tiến nhận định.
Bà Phạm Thị Nhung - Giám đốc Nguồn lực tại VMO Holding cũng cho biết thị trường lao động đã chuyển mình với sự cạnh tranh gay gắt. Các doanh nghiệp giờ đây đòi hỏi nhân sự không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn phải có khả năng thích nghi và sáng tạo trong công việc.
Theo bà Nhung, sinh viên cần chuẩn bị để thích nghi với thị trường lao động toàn cầu đầy cạnh tranh. Những kỹ sư công nghệ thông tin (IT) đang đối mặt với áp lực không chỉ từ kỹ năng chuyên môn mà còn từ yêu cầu về ngoại ngữ và khả năng giải quyết vấn đề. Bà Nhung cảnh báo rằng mức lương trong ngành IT đang bị "ảo hóa," do đó, sinh viên cần tập trung vào việc trau dồi kỹ năng thay vì chỉ chú trọng vào mức lương ban đầu.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Dữ liệu của Viện Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam), cho biết rằng AI đang ảnh hưởng sâu sắc đến ngành nghiên cứu.
Đứng dưới góc độ của một nhà nghiên cứu, ông Ngọc Anh khuyến nghị các bạn trẻ nên cẩn trọng vì AI có thể làm được những việc đơn giản của một nhà nghiên cứu.
"Thị trường lao động đang thay đổi rất nhiều, đặc biệt đối với ngành nghiên cứu của chúng tôi khi AI đang làm ảnh hưởng theo nhiều mặt. Tôi cho rằng cơ hội nghề nghiệp cũng phải đi kèm với thách thức. Riêng trong ngành năng lượng, dầu khí thách thức rất nhiều như thiên tai, biến đổi khí hậu..."
Tuy nhiên ông Ngọc Anh cho rằng từ những thách thức đó sẽ ra nhiều cơ hội, có những nghề mới cho các bạn trẻ tiếp cận.
Dù AI đặt ra nhiều thách thức nhưng theo các chuyên gia, nó cũng mang lại những cơ hội lớn cho giới trẻ. Công nghệ này đang mở ra những ngành nghề mới như chuyên gia phân tích dữ liệu, chuyên viên phát triển AI, nhà thiết kế trải nghiệm người dùng (UX/UI), và các lĩnh vực liên quan đến quản lý dữ liệu và bảo mật thông tin.
Ngoài ra, AI còn hỗ trợ cải tiến các quy trình lao động, giúp tăng năng suất và hiệu quả công việc. Thay vì lo sợ mất việc, nếu biết cách tận dụng công nghệ, giới trẻ có thể trở thành những người dẫn đầu trong các ngành nghề mới. Họ có thể sử dụng AI để hỗ trợ trong quá trình làm việc, giúp tối ưu hóa quy trình và đạt được kết quả tốt hơn.
Người trẻ cần trang bị gì để có việc trong tương lai?
Theo bà Nhung, lao động Việt Nam có lợi thế thực hiện yêu cầu rất chuẩn chỉ và nhanh nhẹn, nhưng kỹ năng tư duy và phát triển sản phẩm cho người dùng cuối lại rất yếu; không có tư duy phục vụ khách hàng, nên việc giải quyết vấn đề còn kém. Khách hàng cần chúng ta như một chuyên gia, họ cần người tìm ra cách giải quyết một cách sáng tạo nhất. Chính vì thế, người lao động cần phải có sự chủ động sáng tạo, tìm tòi chứ không đi theo những lối cũ, bị động và bảo gì làm nấy sẽ không còn phù hợp với thời điểm hiện tại.
Bà Nhung cho rằng sinh viên cần nhận ra chỉ có chuyên môn không thôi là chưa đủ, họ cần cải thiện kỹ năng tư duy, ngoại ngữ và khả năng phục vụ khách hàng để đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Ông Hoàng Nam Tiến đánh giá ở thời điểm hiện tại, thế giới đang thay đổi quá nhanh, nếu không xây dựng khả năng tự học suốt đời để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chúng ta sẽ trở thành "tầng lớp vô dụng” trong tương lai.
"Các bạn trẻ làm ngành gì cũng được nhưng phải làm những ngành nghề có sự tò mò, sáng tạo và cảm xúc thì AI không thể thay thế được. Hãy nhớ rằng, sẽ có hàng trăm triệu công việc sẽ bị thay thế bởi AI và robot nhưng sẽ có hàng trăm triệu công việc nữa sẽ ra đời," ông nói.
Đồng tình với ông Tiến, ông Lê Ngọc Anh nhấn mạnh sinh viên cần nuôi dưỡng tính tò mò và sự sáng tạo. Đây là hai kỹ năng mà AI khó có thể thay thế, đặc biệt là trong những lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.
Ông cũng cho rằng hiểu biết về lịch sử và văn hóa sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên khi làm việc với AI, bởi nó cung cấp nền tảng để sáng tạo và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Tại sự kiện, ông Lê Hoàng Hảo - Giám đốc Nhân sự Galaxy Holding cho hay sinh viên vẫn có cơ hội việc làm nếu biết trang bị cho mình những kỹ năng số cần thiết.
Trong ngành ngân hàng, xu hướng số hóa đang ngày càng phổ biến, với 95% ngân hàng tại Việt Nam đã triển khai hoặc có kế hoạch chuyển đổi số. Điều này tạo ra nhu cầu lớn về nhân sự có kỹ năng số và lập trình viên, với mức tăng trưởng tuyển dụng từ 30-50%.
Bên cạnh đó, ông Hảo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, quản lý thời gian và đặc biệt là ngoại ngữ. Những kỹ năng này sẽ giúp sinh viên không chỉ đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp mà còn tạo ra cơ hội để học hỏi và phát triển trong môi trường quốc tế.
Ông Hảo đưa ra một số lời khuyên như sinh viên nên tham gia một số khoá học trực tuyến để nâng cao kỹ năng chuyên môn của mình hoặc xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp để học hỏi, tiếp thu thêm thông tin từ thị trường, gặp gỡ các chuyên gia; tìm kiếm cơ hội học tập, trau dồi kỹ năng tại các môi trường; luôn cập nhật kiến thức mới từ sách vở, báo chí, Internet.
Các chuyên gia cho rằng AI là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội cho những người trẻ Việt Nam. Bằng việc trang bị những kỹ năng phù hợp, nắm bắt cơ hội học hỏi và phát triển bản thân, thế hệ trẻ Việt Nam có thể tự tin bước vào thị trường lao động và tạo dựng sự nghiệp thành công trong kỷ nguyên AI./.