Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã kết thúc và ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump đã được bầu làm Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Người dân Mỹ và các quốc gia trên thế giới đang rất quan tâm xem chính sách sắp tới của ông sẽ ra sao. Những vấn đề mà Trump đã từng nêu lên trong cuộc tranh cử của mình liệu sẽ có trở thành hiện thực?
Trong đó, chương trình chống biến đổi khí hậu cũng như môi trường dự báo sẽ không được Mỹ chú trọng đầu tư, phát triển.
Biến đổi khí hậu là "trò bịp".
Ông Trump đã từng đăng một dòng tweet lên Twitter của mình với nội dung nghi ngờ về sự biến đổi khí hậu: “Khái niệm về sự nóng lên toàn cầu được đưa ra bởi Trung Quốc, nhằm khiến nền sản xuất của Hoa Kỳ không thể cạnh tranh được.”
Ngoài ra ông cũng đưa ra nhiều quan điểm khác, bác bỏ các bằng chứng khoa học chứng minh biến đổi khí hậu là có thật.
Một trong những tuyên bố của Trump trong thời điểm đang tranh cử là nếu làm tổng thống, ông sẽ hủy bỏ hàng tỷ USD đầu tư vào chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.
Trump muốn Mỹ không lãng phí nguồn tài chính vào việc biến đổi khí hậu và việc đảm bảo thế giới có nước sạch để loại bỏ những căn bệnh như sốt rét hay tăng sản lượng thực phẩm.
Thực tế thì chủ đề về biến đổi khí hậu và môi trường chỉ là các nội dung nhỏ trong chương trình tranh cử của Trump. Ông chưa nói nhiều đến kế hoạch về biến đổi khí hậu cũng như chưa đề ra lộ trình cụ thể nào về việc giảm ô nhiễm khí hậu.
Tuy nhiên, trong các bài phát biểu và tranh luận trực tiếp, ông tuyên bố ủng hộ nước sạch, không khí sạch nhưng lại giảm mạnh chi tiền cho Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ. Trump tuyên bố điều khiến cả thế giới lo lắng - tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra - chỉ là “trò bịp”.
Trump cũng từng nói rằng ông sẽ từ chối đi gặp các chính khách trên thế giới để thảo luận về Hiệp định Paris hay các vấn đề môi trường. Ông sẽ “hô biến” nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các thỏa thuận quốc tế khác, bên cạnh việc ngừng đầu tư vào chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.
Không thể đứng ngoài vấn đề biến đổi khí hậu
Cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là mâu thuẫn tồn tại từ lâu, không dễ giải quyết, giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Hồi tháng 9, Mỹ và Trung Quốc chính thức phê chuẩn Hiệp định Paris, cam kết giảm lượng xả thải. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hiện nay, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mà nước Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama tham gia đánh dấu bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc suốt hơn hai thập kỷ qua, nhằm thuyết phục chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế việc gia tăng nhiệt độ của Trái đất.
Nước Mỹ hiện nay đang đứng thứ 2 trên thế giới về lượng khí thải nhà kính xả ra môi trường, với 15%. Cho nên, nhiều chuyên gia nhận định rằng dù có tuyên bố mạnh mẽ như vậy nhưng ông Donald Trump và chính phủ mới của nước Mỹ sẽ không thể khoanh tay đứng ngoài cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chung của thế giới. Những cam kết tranh cử của ông sẽ có những thay đổi nhất định trong tương lai.
Trong buổi phỏng vấn mới nhất hôm 11/11, Trump và các cố vấn cũng tuyên bố những đề xuất ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử có thể bị sửa đổi. Hiện tại, như lời Trump nói trên tờ WSJ, ông "muốn tập trung vào giải quyết vấn đề y tế, việc làm, kiểm soát biên giới và cải cách thuế."
Thêm một lý do nữa để nhiều quốc gia và các chuyên gia tin rằng chính phủ của ông Donald Trump không thể đi ngược lại với xu hướng mới của thế giới, đó là quyền lợi và vị thế của Mỹ.
Lịch sử tranh cử tổng thống Mỹ đã nhiều lần chứng minh, không phải bất cứ mục tiêu, kế hoạch tranh cử nào cũng được các tổng thống đắc cử hoàn thành.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng một trong những thực tế không thể phủ nhận đó là vị thế siêu cường khiến nước Mỹ khó có thể rũ bỏ các trách nhiệm của mình với thế giới. Đây là một thực tế mà bất kỳ vị tổng thống Mỹ nào cũng sẽ phải đương đầu khi họ vào Nhà Trắng, bắt đầu cuộc chèo lái nước Mỹ./.