Bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên được nhiều thế hệ người Việt nhắc nhớ, hoài niệm về một thú chơi chữ tao nhã đang mất dần trong đời sống đương đại hối hả mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Tuy nhiên, những năm gần đây, với niềm đam mê thư pháp, những “ông đồ” trẻ đã kế thừa di sản của cha ông, đóng khăn xếp, áo the, mang xuống phố những nét đẹp của con chữ và góp phần gìn giữ truyền thống cho chữ của người Việt ngày Xuân.
Là người sáng lập Câu lạc bộ Thư pháp Nét Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh cách đây 10 năm, “ông đồ” trẻ Nguyễn Hiếu Tín, sinh năm 1980 (Trưởng Bộ môn Việt Nam học - Trường Đại học Tôn Đức Thắng) là người nêu ý tưởng cho hoạt động “Ông đồ xuống phố” cho chữ ngày xuân từ năm 2006.
Nguyễn Hiếu Tín trân trọng những giá trị đặc sắc của thư pháp Việt dưới góc nhìn văn hóa học. Hiếu Tín khẳng định, theo nghiên cứu và hiểu biết của mình thì “người Việt chính là dân tộc đầu tiên cầm cọ lông viết chữ Latinh.”
Tuy vậy, dù là sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, thư pháp Việt vẫn thể hiện rõ nét nhất đặc trưng văn hóa Việt bởi “nét cong” để phân biệt với tính nguyên tắc qua cách viết của người phương Tây và chữ tượng hình của Hán tự vốn chỉ gồm nét “sổ”, “ngang” và “móc.”
Trong những năm gần đây, thư pháp Việt đã phát triển mạnh mẽ và ngày càng chuyên nghiệp, thể hiện trên nhiều chất liệu như gỗ, gốm sứ, giấy các loại, sơn dầu...
Sau 10 năm hoạt động, Câu lạc bộ Thư pháp Nét Việt đã quy tụ được hơn 30 thành viên. Để đón Xuân Đinh Dậu 2017, Câu lạc bộ đã tổ chức Triển lãm Thư pháp Việt với chủ đề “Nét Việt-Nét chữ Việt-Tâm hồn Việt” trưng bày hơn 80 tác phẩm đặc sắc gửi đến công chúng và du khách yêu thích nghệ thuật viết chữ đẹp của người Việt.
Trong giới “ông đồ” trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh, không ai không biết đến cây thư pháp Việt tài hoa - Hoa Nghiêm sinh năm 1984, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nét Việt.
Hoa Nghiêm đến với thư pháp Việt như một cơ duyên khi anh từng có thời gian sống trong chùa, thiếu thốn tình thương của cha mẹ nhưng anh được các bậc sư huynh mài dũa từng nét chữ về đạo hiếu. Chính vì thế, những nét chữ của Hoa Nghiêm như có hồn, lay động người xem từ tận đáy lòng về tình cảm thiêng liêng Mẫu-Tử.
Ông đồ Bùi Hiến sinh năm 1957, là người mà cả Nguyễn Hiếu Tín, Hoa Nghiêm cùng nhiều “ông đồ” trẻ khác ở Thành phố Hồ Chí Minh luôn trân trọng về tài và tâm với nghiệp thư pháp.
Thời gian đầu viết thư pháp Việt, Bùi Hiến luôn trăn trở, đau đáu với từng nét chữ trong mỗi giấc ngủ, để rồi nhờ những con chữ phóng khoáng, tài hoa, Bùi Hiến đã bày tỏ được tâm thức, những chiêm nghiệm của bản thân với cuộc đời.
Qua đó, Bùi Hiến muốn giữ được sự riêng biệt của chữ Việt, và để ông tự hào với thứ ngôn ngữ của cha ông vốn đã phải trải qua bao thế hệ, bao biến thiên của lịch sử mới tạo dựng được.
Với sự đam mê vẻ đẹp nhân bản trong từng con chữ, qua ngòi bút tài hoa của những “ông đồ” trẻ như Bùi Hiến, Hoa Nghiêm, Hiếu Tín và và hàng trăm “ông đồ” trẻ khác, nét văn hóa đặc sắc là xin chữ và cho chữ lại xuất hiện trên phố đông người qua mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.