Ông chủ quán bún riêu trở thành Nghệ nhân Nhân dân Đờn ca Tài tử

Bên cạnh công việc mưu sinh bán bún riêu, anh Phan Văn Út là một nghệ nhân ca Đờn ca Tài tử nổi tiếng ở Cần Thơ với năng khiếu ca mùi mẫn và nỗ lực miệt mài bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian.

Ông chủ quán bún riêu trở thành Nghệ nhân Nhân dân Đờn ca Tài tử ảnh 1Nghệ sỹ Ưu tú Ngọc Huyền ghé thăm quán bún riêu của Nghệ nhân Nhân dân Trường Út. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Năm 2022, cả nước có 64 cá nhân được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân ở các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trong đó Cần Thơ được xướng danh Nghệ nhân Nhân dân Trường Út (tên thật là Phan Văn Út, sinh năm 1975) ở loại hình Nghệ thuật Trình diễn Dân gian.

Đó là vinh dự lớn không chỉ cho cá nhân Nghệ nhân Trường Út, mà còn với thành phố trong nỗ lực gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật Đờn ca Tài tử.

Anh “Út bún riêu” là tên gọi thân thương mà mọi người dành cho Nghệ nhân Nhân dân Trường Út bởi công việc mưu sinh hằng ngày của anh là ông chủ quán nhỏ bình dân bán món điểm tâm sáng bún riêu, ven đường Nguyễn Tri Phương, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Tay tô, tay vợt nhịp nhàng làm bún, bưng đến bàn cho khách, anh Út vừa vui vẻ ngâm nga một câu vọng cổ.

Quán bún riêu là công việc hàng ngày của anh, giúp anh nuôi hai con ăn học nên người. Còn Đờn ca Tài tử là cái danh, là cái nghiệp anh trót yêu, trót nặng mang. Và chính anh “Út bún riêu” đã nuôi Trường Út thành một Nghệ nhân Nhân dân như hôm nay.

Ông chủ quán bún riêu trở thành Nghệ nhân Nhân dân Đờn ca Tài tử ảnh 2Nghệ nhân Nhân dân Trường Út với công việc bán bún riêu mưu sinh hàng ngày. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Khoảng 40 năm trước, khi còn là cậu bé 8 tuổi, anh Út thường theo anh trai Trường Lạc đi hát ở các sự kiện.

“Nghe riết tôi thấy mình có thể thẩm âm, cảm được tiết tấu, ca từ của các bài ca cổ. Nhiều khi tôi ngồi nhẩm nhẩm hát theo anh trong vô thức. Thấy tôi có tố chất và cũng mê hát, anh Trường Lạc thường xuyên đưa tôi đi các sự kiện, giao lưu hội nhóm,” anh Trường Út nhớ lại.

Là người phát hiện ra năng khiếu của em trai, anh Trường Lạc cũng chính là người thầy đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của Nghệ nhân Nhân dân Trường Út, khi uốn nắn cho em từng làn hơi, từng bản đờn.

Một ngày nọ, anh Út bày tỏ mong muốn được lên Thành phố Hồ Chí Minh để theo học bài bản nhưng hoàn cảnh gia đình lúc đó khá khó khăn. Thương em, anh Trường Lạc đã tìm đến thầy đờn Hai Long, thầy của những tài danh như Bạch Tuyết, Hùng Cường, để xin cho em trai theo học.

Thầy Hai Long đã lớn tuổi nên chỉ nhận dạy ít học trò cho đỡ nhớ nghề. Với tố chất thông minh, khả năng thẩm âm tốt, cậu học trò Trường Út được thầy Hai Long dồn tâm huyết, kèm cặp tận tình. Cũng vì thế anh Trường Út ngày càng tiến bộ và trở thành giọng ca sáng giá trong phong trào Đờn ca Tài tử ở Cần Thơ những năm 1990.

Giọng ca những bài Bắc của anh huyễn hoặc, chuẩn mực, giàu xúc cảm nên đi vào lòng người một cách lắng đọng. Anh có cách chẻ nhịp, đưa hơi ngọt lịm khiến bài tài tử trở nên bay bổng.

[Người giữ lửa tự hào văn hóa cho thế hệ trẻ dân tộc Cao Lan]

Với Nghệ nhân Nhân dân Trường Út, sáng tạo là sự bắt buộc đối với nghệ sỹ. Bối cảnh văn hóa, lịch sử thay đổi, thị hiếu của người xem, người nghe cũng đổi.

“Ngày trước chúng tôi chơi đờn ca tài tử tùy hứng, ca mọi nơi mà không cần âm thanh, ánh sáng. Giờ phải nghiêng nhiều về nghệ thuật trình diễn, sân khấu hóa. Xưa chỉ ngồi một chỗ ca, giờ phải kết hợp diễn, biểu cảm thì khán giả mới hào hứng đón nhận," Nghệ nhân Nhân dân Trường Út cho biết.

Ông chủ quán bún riêu trở thành Nghệ nhân Nhân dân Đờn ca Tài tử ảnh 3Trao nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho anh Phan Văn Út. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Chia sẻ cảm nghĩ về người anh, đồng nghiệp tại Câu lạc bộ Đờn ca Tài tử Tây Đô, Nghệ nhân Ưu tú Ái Hằng, Trưởng ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ nói: "Nghệ nhân Nhân dân Trường Út từ ngày đầu vào nghề cho đến khi được vinh danh Nghệ nhân Nhân dân luôn giữ cho mình tính cách mộc mạc, chân phương, đúng chất 'anh ba khía Tây Nam Bộ.' Bất kỳ buổi diễn nào dù lớn hay nhỏ, thậm chí là biểu diễn không thù lao, khi Ban Tổ chức ngỏ lời, anh đều nhận. Nhiều buổi diễn ở vùng sâu vùng xa, lại tổ chức vào buổi tối, mùa mưa, nhưng anh Trường Út luôn tới đúng giờ. Chúng tôi luôn nhắc nhau học anh để vững tâm giữ lửa nghề."

Không chỉ hết mình với hoạt động biểu diễn, Nghệ nhân Nhân dân Trường Út còn cống hiến rất lớn cho phong trào Đờn ca Tài tử của thành phố Cần Thơ khi trực tiếp truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ cũng như người lớn tuổi yêu thích Đờn ca Tài tử.

Soạn giả Nhâm Hùng chia sẻ, nghệ thuật Đờn ca Tài tử của thành phố đang ngày càng phát triển. Thành quả đó có được là nhờ sự chung tay góp sức của rất nhiều nghệ sỹ, trong đó có sự cống hiến hết mình của Nghệ nhân Nhân dân Trường Út. Với tinh thần cống hiến, bền bỉ mấy chục năm qua, các lớp dạy Đờn ca Tài tử do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Câu lạc bộ đờn ca tài tử Tây Đô, Trung tâm văn hóa quận Ninh Kiều… tổ chức, anh đều đảm nhiệm vai trò giảng viên. Những ai yêu thích, muốn tìm hiểu sâu hơn về Đờn ca Tài tử tìm đến anh, anh cũng dành thời gian để hướng dẫn. Anh đã dìu dắt nhiều thế hệ học trò, trong đó có những tên tuổi được khẳng định như nghệ sỹ Minh Tuấn, Việt Thu, Thanh Dũng...

Vất vả mưu sinh nhưng cứ đứng trên sân khấu, Nghệ nhân Nhân dân Trường Út sống trọn với tiếng đờn, lời ca. “Đời còn cho hơi thở, tôi còn cất lên lời ca, với tôi đó là mục đích sống cũng là nguồn sống,” Nghệ nhân Nhân dân Trường Út bày tỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục