Người giàu nhất thế giới, doanh nhân tỷ phú và là ông chủ tập đoàn Amazon, Jeff Bezos, ngày 15/10 cho biết ông có kế hoạch tăng đầu tư hằng năm tại Blue Origin, công ty hàng không vũ trụ mà ông khai trương năm 2000.
Jeff Bezos, người có tổng giá trị tài sản ròng hiện tại theo ước tính của tạp chí Forbes là 145 tỷ USD (phần lớn là cổ phần của ông tại Amazon), cho biết ông đã chi khoảng 1 tỷ USD/năm để phát triển Blue Origin và sẽ tiếp tục tăng đầu tư trong năm 2019.
Blue Origin hiện đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch vũ trụ và phát triển các tên lửa để phóng vệ tinh và thám hiểm vũ trụ, rất giống đối thủ SpaceX của Elon Musk.
Tuy nhiên, SpaceX đang tiến xa hơn và đã hoạt động trong cuộc đua phát triển tên lửa từ 6 năm nay.
Ông Bezos nhấn mạnh ông muốn giúp mở ra một kỷ nguyên mới trong thám hiểm vũ trụ. Ông nói: "Chúng tôi có thể làm điều đó, chúng tôi cần có các tàu vũ trụ có thể tái sử dụng."
[Nhà sáng lập tập đoàn Amazon Jeff Bezos lập quỹ nhân ái 2 tỷ USD]
Mục tiêu mà Blue Origin đưa ra rất giống SpaceX, đó là giảm chi phí phóng tàu vũ trụ nhờ cải tiến hợp lý sau các chương trình của cơ quan vũ trụ Mỹ NASA, Liên Xô và các nước khác.
Các chương trình vũ trụ "Kỷ nguyên Vàng" này sử dụng tên lửa bị phá hủy khi quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất. Tuy nhiên, Blue Origin và SpaceX đang phát triển các tên lửa có thể tái sử dụng.
Tên lửa New Glenn của Blue Origin, được đặt theo tên nhà du hành vũ trụ đầu tiên John Glenn, dự kiến có thể sử dụng sau năm 2021.
Tên lửa New Shepard, nhỏ hơn, đặt theo tên Alan Shepard, người Mỹ đầu tiên bước vào không gian vũ trụ, được thiết kế để đưa 6 người vượt qua cái gọi là đường Karman, một ranh giới vũ trụ được quốc tế thừa nhận để trải nghiệm tình trạng không trọng lượng.
Một số thử nghiệm quan trọng dược thực hiện trong năm 2018 đã chứng tỏ sự thành công và tên lửa có thể sử dụng được trong năm 2019.
Trong một diễn biến khác có liên quan. ông chủ Amazon Jeff Bezos ngày 15/10 tuyên bố ủng hộ nỗ lực của tập đoàn giành hợp đồng điện toán đám mây của Lầu Năm Góc trị giá 10 tỷ USD, sau khi Google từ bỏ nỗ lực giành hợp này vì cho rằng bản hợp đồng trái với các nguyên tắc của mình.
Ông Bezos nói: "Chúng tôi tiếp tục ủng hộ Bộ Quốc phòng. Nếu các công ty công nghệ lớn quay lưng lại với Bộ Quốc phòng Mỹ, đất nước này sẽ gặp khó khăn."
Bezos cũng đứng đầu công ty thám hiểm vũ trụ tư nhân Blue Origin, một công ty giành được các hợp đồng quân sự của Mỹ.
Tuyên bố trên được ông chủ Amazon đưa ra khi hồi tuần trước, Google thông báo tử bỏ nỗ lực giành hợp đồng của Liên doanh cơ sở hạ tầng quốc phòng (JEDI) nhằm hiện đại hóa các hệ thống máy tính của quân đội.
Trong một tuyên bố, Google nêu rõ: "Thứ nhất, chúng tôi không thể đảm bảo hợp đồng này có phù hợp với các nguyên tắc trí tuệ nhân tạo của chúng tôi hay không, và thứ hai, chúng tôi xác định có một số phần hợp đồng nằm ngoài phạm vi các giấy chứng nhận của chính phủ hiện tại."
Sau động thái của Google, chỉ còn một số ít tập đoàn công nghệ chạy đua giành hợp đồng quốc phòng lớn này, trong đó có Amazon và Microsoft.
Trong khi đó, một nhóm nhân viên Microsoft kêu gọi ông chủ của mình rút khỏi nỗ lực này vì không tin rằng những gì đang xây dựng nên được sử dụng để tiến hành chiến tranh.
Các nhân viên này cho rằng: "Hợp đồng này có phạm vi rộng và được bao phủ bởi sự bí mật làm cho gần như không thể biết những gì chúng ta đang xây dựng"./.