Ông Biden: Khả năng Nga tấn công Ukraine vẫn "rất cao"

Tổng thống Biden nói rằng “mọi dấu hiệu mà chúng tôi có đều cho thấy Nga đang chuẩn bị tiến vào Ukraine,” đồng thời cho biết ông không có kế hoạch điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Ông Biden: Khả năng Nga tấn công Ukraine vẫn "rất cao" ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington, DC ngày 15/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 17/2 cho rằng mối đe dọa về một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine là “rất cao,” song cánh cửa dẫn tới một giải pháp ngoại giao vẫn còn để ngỏ.

Phát biểu với các phóng viên, Tổng thống Biden nói rằng “mọi dấu hiệu mà chúng tôi có đều cho thấy Nga đang chuẩn bị tiến vào Ukraine,” đồng thời cho biết ông không có kế hoạch điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Khi được hỏi về mức độ của mối đe dọa liên quan đến nguy cơ Nga tấn công Ukraine trong thời điểm hiện nay, ông Biden nhấn mạnh mối đe dọa này là “rất cao.”

Tổng thống Mỹ cũng lưu ý rằng Nga đã không rút bớt lực lượng khỏi biên giới với Ukraine và Washington có lý do để tin rằng Moskva đang dàn xếp một “chiến dịch cờ giả” (ngụy tạo bằng chứng giả) để tìm cách biện minh cho cuộc tấn công Ukraine.

Trong khi đó, giới chức Lầu Năm Góc ngày 17/2 xác nhận những quân nhân cuối cùng trong số 4.700 binh sỹ Mỹ đã được triển khai tới Ba Lan để củng cố hệ thống phòng thủ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dọc theo sườn phía Đông của liên minh quân sự này.

Theo nhật báo New York Times, các binh sỹ Mỹ đã đến Ba Lan trong ngày 17/2, song lực lượng này sẽ không di chuyển ngay lập tức vào lãnh thổ Ukraine.

Trước đó, Lầu Năm Góc hôm 2/2 lần đầu tiên thông báo 1.700 binh sĩ từ Sư đoàn dù số 82 đóng tại Fort Bragg, bang North Carolina, sẽ được điều động đến Ba Lan.

Đây là một phần trong kế hoạch triển khai 3.000 quân ban đầu tới Đông Âu giữa lúc xuất hiện nhiều ngại về nguy cơ Nga tấn công Ukraine.

Hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ra lệnh bổ sung 3.000 quân từ Nhóm tác chiến thuộc Lữ đoàn bộ binh dù số 82 trực tiếp đến Ba Lan.

[Vấn đề Ukraine: Mỹ và Nga vẫn bất đồng, Liên hợp quốc quan ngại]

Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Liz Truss tuyên bố London, cùng với các đồng minh, sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nếu Nga không lựa chọn con đường ngoại giao.

Phát biểu tại một buổi họp báo ở Kiev, Ngoại trưởng Truss nhấn mạnh “Nga phải suy nghĩ lại,” cho rằng Moskva cần lựa chọn con đường ngoại giao, giảm leo thang và rút quân khỏi biên giới.

Tuy vậy, bà khẳng định rằng bất chấp những tuyên bố, hoạt động triển khai quân đội của Nga tại biên giới Ukraine không có dấu hiệu chậm lại.

Ngoại trưởng Anh nói: “Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy lực lượng của họ đang rút lui và chúng ta cần Nga lùi bước. Cùng nhau, chúng ta có thể lật ngược tình thế trước hành vi của Nga và có thể xây dựng một tương lai an toàn hơn trên toàn châu Âu.”

Ngoại trưởng Truss cũng thông báo London sẽ tăng tài trợ cho các dự án cung cấp vũ khí phòng thủ và huấn luyện quân đội cho Ukraine từ mức 80 triệu bảng Anh lên mức 100 triệu bảng Anh.

Về quan hệ đối tác ba bên giữa Anh, Ukraine và Ba Lan vừa được người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba công bố, bà Truss cho biết 3 nước sẽ tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh, trừng phạt, an ninh năng lượng và chống thông tin sai lệch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục