Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 30/12 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir kêu gọi các bên liên quan "hợp tác tối đa" trong các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng đẫm máu đang diễn ra tại nước này.
Theo thông tin từ văn phòng phát ngôn viên của Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Ban Ki-moon trong cuộc điện đàm đã hoan nghênh những nỗ lực từ phía Tổng thống Kiir nhằm chấm dứt tình trạng thù địch đồng thời lôi kéo các thủ lĩnh đối lập tham gia đối thoại.
Tổng Thư ký khẳng định Liên hợp quốc ủng hộ các nỗ lực hòa giải của Cơ quan Phát triển liên Chính phủ Đông Phi (IGAD) đồng thời kêu gọi các bên liên quan trong cuộc xung đột hợp tác tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Ông cũng khuyến khích ông Kiir sớm thả tù nhân chính trị, đồng thời nhấn mạnh việc cần thiết phải buộc những kẻ tấn công thường dân đứng ra nhận trách nhiệm.
Ủng hộ quan điểm của Liên hợp quốc, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cùng ngày cho biết Washington cũng đang nỗ lực tìm cách đưa các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Nam Sudan ngồi vào bàn đàm phán.
Trong tuần qua, Ngoại trưởng John Kerry đã liên tục có các cuộc điện đàm hàng ngày với Tổng thống Salva Kiir cũng như cựu Phó Tổng thống Riek Machar để xoa dịu căng thẳng giữa hai bên.
Trong khi đó, đặc phái viên của Mỹ tại khu vực Donald Booth đã dành kỳ nghỉ Giáng sinh tại thủ đô Juba để thúc đẩy một cam kết đối thoại chính trị giữa các bên với hy vọng có thể sớm khởi động một cuộc đàm phán trong vài ngày tới.
Trong khi đó, tình hình tại Nam Sudan tiếp tục diễn biến phức tạp và bấp bênh.
Báo cáo của Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan ngày 29/12 cho biết đã nhận dạng một số nhóm vũ trang có mặt tại phía Đông Bắc thành phố Bor, thủ phủ bang Jonglei.
Hiện Bor vẫn đang nằm dưới quyền kiểm soát của quân chính phủ, tuy nhiên động thái mới nhất trên đã khiến nhiều người dân tại đây lo ngại.
Hàng nghìn người dân Nam Sudan đã rời thị trấn Bor và đi về phía Nam, hướng về Jubar, do lo sợ nổ ra một đợt tấn công mới tại thành phố này.
Trong khi đó, thủ đô Jubar vẫn đang ở trong trạng thái yên bình tạm thời với 11 ngày liên tiếp không xảy ra bạo lực, mặc dù bầu không khí tiếp tục căng thẳng.
Trước tình hình trên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 30/12 đã có cuộc họp khẩn cấp về hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan.
15 nước ủy viên thường trực đã quyết định gửi thêm khoảng 6.000 binh lính tới quốc gia Bắc Phi này./.