Ôn lại quá khứ để hướng tới tương lai quan hệ Việt Nam-Hà Lan

Lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ nhân dân giữa Việt Nam và Hà Lan diễn ra tại Nijmegen - nơi đánh dấu sự kiện Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam ra đời năm 1968 và trở thành biểu tượng của quan hệ hai nước.
Các vị khách xem các thước phim tư liệu về hợp tác Hà Lan-Việt Nam trong chiến tranh. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan)

Tại thành phố Nijmegen, Hà Lan (giáp biên giới Đức) vừa diễn ra buổi lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ nhân dân giữa Việt Nam và Hà Lan, mối quan hệ được bắt đầu bằng sự kiện Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV) ra đời năm 1968 chính tại thành phố này và trở thành biểu tượng cho mối quan hệ nhân dân giữa hai nước.

Tham gia buổi lễ, được tổ chức tại Viện Phim tư liệu của nhà làm phim tư liệu nổi tiếng Hà Lan Joris Ivens, có Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Thị Hòa, cùng những người Hà Lan từng tham gia phong trào đấu tranh phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, và đến nay vẫn là những người bạn chung thủy của Việt Nam.

[50 năm quan hệ nhân dân Hà Lan-Việt Nam: Câu chuyện được kể lại]

Tại buổi lễ, ông Ad Spijkers, từng là đại diện của Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam và cũng là thành viên tích cực trong phong trào ủng hộ Việt Nam ở thành phố Nijmegen, nhắc lại trong những năm 60-70, khi cuộc chiến tại Việt Nam đang diễn ra khốc liệt, phong trào đoàn kết với Việt Nam tại Nijmegen ngày càng lan rộng.

Nhiều tổ chức, nhóm ủng hộ Việt Nam ra đời tại Nijmegen như Ủy ban Việt Nam Nijmegen, Hội đồng phong trào Việt Nam Nijmegen, Nhóm Y tế, Nhóm đạp xe vì Việt Nam...

Phong trào ủng hộ Việt Nam cũng lan rộng trong giới sinh viên và trường đại học tại Nijmegen. Cùng với các trường đại học của Hà Lan, Đại học Nijmegen đã bắt đầu một số dự án hợp tác cho Việt Nam trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ và y tế.

Ông Spijkers nhấn mạnh sau khi thành lập, MCNV bắt đầu chương trình hợp tác với Việt Nam thông qua quá trình hỗ trợ y tế cho Việt Nam tại Đông Hà, Quảng Trị, một trong những nơi bị ảnh hưởng nhất của cuộc chiến tranh.

Năm 1974, Bệnh viện Hà Lan bắt đầu được xây dựng tại Đông Hà với sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan và mọi trang thiết bị do các trường đại học ở Hà Lan đóng góp, chính thức đi vào hoạt động từ năm 1977.

Cũng trong những năm tháng đạn lửa ấy, nhà làm phim Hà Lan Joris Ivens, một người con của Nijmegen, đã tới Việt Nam, tận mắt chứng kiến và sản xuất nhiều bộ phim tư liệu về chiến tranh Việt Nam, giúp thế giới thấy được cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam và tinh thần anh dũng vì hòa bình, độc lập và thống nhất của nhân dân Việt Nam.

Nổi bật trong đó là 4 cuốn phim có giá trị cao đối với quốc tế, gồm "Bầu trời và Mặt đất" (sản xuất năm 1965); "Xa Việt Nam"(1967), "Vĩ tuyến 17" (sản xuất năm 1966) và "Cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh" (1970).

Theo ông Spijkers, sau chiến tranh, các trường đại học của thành phố Nijmegen tiếp tục cấp rất nhiều học bổng đào tạo cho Việt Nam.

Từ năm 1978-1980, hàng trăm nhà khoa học, kỹ sư trong các lĩnh vực y tế, dược và kỹ thuật, nông nghiệp, thủy lợi đã đến Hà Lan học tập thông qua các dự án của các trường đại học.

Ông bày tỏ tự hào khi thấy hoạt động đoàn kết giữa nhân dân hai nước trước đây đã tạo nền móng vững chắc cho những năm tiếp theo để phát triển hơn nữa sự hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam và giữa Việt Nam với thành phố Nijmegen ngày nay.

Ông nhấn mạnh: "Kỷ niệm 50 năm quan hệ nhân dân giữa Hà Lan và Việt Nam, chúng ta ôn lại quá khứ nhưng cũng là để hướng tới tương lai."

Ông Spijkers cũng bày tỏ ấn tượng về những lần tới Việt Nam, như năm 1976 và năm 1984, khi ông là đại diện FAO tại Việt Nam. Ông chia sẻ những kỷ niệm trong thời gian sống ở Hà Nội và chứng kiến sự thay đổi rất lớn ở Việt Nam kể từ 1986 khi Việt Nam bắt đầu chính sách Đổi mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục