“Ổn định, khôi phục vai trò huy động vốn cho TTCK”

Chương trình cho năm tới, quan trọng nhất vẫn là giải pháp ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Nếu chúng ta kiểm soát được lạm phát thành công, kéo theo mặt bằng lãi suất giảm, đây sẽ là yếu tố quyết định và chỉ khi đó thị trường mới có thể hồi phục. Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã chia sẻ những khó khăn, thách thức của thị trường với phóng viên Vietnam+ trước thềm năm mới Nhâm Thìn.
Thị trường chứng khoán trải qua một năm Tân Mão đầy khó khăn nên hầu hết các thành viên tham gia thị trường vẫn rất thận trọng đứng trước thềm xuân Nhâm Thìn. Đây chính là nỗi trăn trở của các nhà quản lý.

Nhân dịp đầu xuân năm mới, phóng viên Vietnam+ đã thực hiện cuộc trao đổi với ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư chứng khoán trong năm mới Nhâm Thìn?

Ông Vũ Bằng: Đầu tiên vẫn phải nhìn nhận rằng trong các yếu tố khó khăn của nền kinh tế toàn cầu nói chung thì đáng lo ngại nhất vẫn là khu vực đồng tiền chung châu Âu. Hiện, các nước châu Âu chưa thực sự nhất quán về giải pháp xử lý khủng hoảng nợ công, vẫn có những sự bất đồng, điều này cũng dẫn tới mối lo ngại về sự rủi ro đổ vỡ đồng Euro. Các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, bao gồm cả các nước phát triển và mới nổi, thậm chí dự báo nguy cơ suy thoái lần 2 và các nước cũng đều phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng năm 2012. Ngay như, Singapore năm 2011 tăng trưởng 4,5% nhưng năm 2012 xác định chỉ khoảng 1-3%.

Đối với tình hình trong nước, khả năng năm tới, kinh tế vẫn còn khó khăn. Riêng hoạt động thị trường chứng khoán, nhìn chung các thành viên (công ty niêm yết, công ty chứng khoán...) sức lực đã suy giảm đáng kể sau khi trải qua một năm đầy khó khăn như 2011. Qua đó cũng phản ánh phần nào thực lực của nền kinh tế, đồng thời mặt bằng lãi suất vẫn còn cao, giá vàng , tỷ giá ngoại tệ vẫn còn là thách thức, các tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư cũng đang khó khăn…

Chương trình cho năm tới, quan trọng nhất vẫn là giải pháp ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Nếu chúng ta kiểm soát được lạm phát thành công, kéo theo mặt bằng lãi suất giảm, đây sẽ là yếu tố quyết định và chỉ khi đó thị trường mới có thể hồi phục.

Thêm vào đó, quan niệm của Nhà nước đối với thị trường chứng khoán có yếu tố quyết định đến lòng tin của thị trường, nếu chúng ta xem xét lại việc coi thị trường chứng khoán là lĩnh vực phi sản xuất và nhất quán khẳng định chủ trương tiếp tục thúc đẩy thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng bên cạnh thị trường tiền tệ, khi đó chúng ta sẽ có chính sách vĩ mô điều hành phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vừa duy trì sự linh hoạt cần thiết, điều hòa trong cả năm thì thị trường sẽ có bước cải thiện trở lại.

Thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ, thị trường tín dụng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Về mặt nguyên lý, ngân hàng lo kênh dẫn vốn ngắn hạn và thị trường chứng khoán lo kênh dẫn vốn dài hạn. Hiện nay, một tỷ trọng lớn tín dụng của ngân hàng là tín dụng dài hạn, điều đó sẽ rất rủi ro cho hệ thống ngân hàng vì vậy cần có các giải pháp hỗ trợ để thị trường chứng khoán phát triển, hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng.

Trên thực tế, vốn ngắn hạn và vốn dài hạn luôn có sự liên thông với nhau, các ngân hàng vẫn phải huy động vốn trên thị trường chứng khoán và cũng có thể hoàn toàn không cho vay dài hạn. Các nước vẫn cho phép các ngân hàng cho vay giao dịch ký quỹ qua công ty chứng khoán theo một tỷ lệ nhất định trên cơ sở bảo đảm tỷ lệ an toàn tài chính đối với từng ngân hàng và đối tượng vay. Khoản cho vay ký quỹ này thực tế là khoản cho vay ngắn hạn dưới 12 tháng và chủ yếu để mua chứng khoán trên thị trường thứ cấp, không phải góp vốn dài hạn.

Về nguyên lý và thực tế trên thế giới cho thấy, việc duy trì thanh khoản của thị trường chứng khoán có ảnh hưởng tích cực tới giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nhờ vào khả năng luân chuyển và sử dụng tối đa nguồn lực tài chính. Rủi ro thanh khoản hay khả năng giao dịch chứng khoán khó khăn làm cho giá chứng khoán sẽ giảm, nói cách khác là chi phí vốn tăng.

Trong nhiều năm qua, vấn đề liên thông vốn giữa ngân hàng và chứng khoán của ta là khá lỏng lẻo, việc kiểm soát rủi ro theo các tiêu chí phù hợp tại các ngân hàng và công ty chứng khoán còn chưa được thực hiện đầy đủ. Vì vậy có nhiều trường hợp luồng tiền qua chứng khoán lại đi vào bất động sản hoặc vào các nghiệp vụ đòn bẩy tài chính có tính rủi ro cao.

Tuy nhiên nếu từ tình hình trên lại chuyển sang giải pháp thắt chặt tất cả các luồng tín dụng vào chứng khoán là ta đang chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Vấn đề quan trọng là cần có các tiêu chí kiểm soát rủi ro để bảo đảm dòng tiền vào là ngắn hạn và được đi đúng hướng trên cơ sở tình hình của từng ngân hàng và công ty chứng khoán.

Nếu chúng ta có chính sách phù hợp sẽ huy động và khơi thông nguồn vốn trên thị trường chứng khoán phục vụ cho các ngân hàng, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Thưa ông, thực trạng sức khỏe của các công ty chứng khoán hiện nay ra sao?

Ông Vũ Bằng: Hiện trên thị trường có 105 công ty chứng khoán với tổng số vốn điều lệ 35.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 38.000 tỷ đồng.

Đặc điểm, hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán rất phụ thuộc vào tình hình thị trường. Cụ thể, trong năm 2007 lợi nhuận sau thuế của các công ty chứng khoán đã đạt 3.319 tỷ đồng, tuy nhiên trong năm 2008 tổng cộng các công ty lỗ 3.271 tỷ đồng. Thị trường chứng khoán phục hồi năm 2009, theo đó lợi nhuận sau thuế của các công ty chứng khoán đạt 4.791 tỷ đồng. Song sang năm 2010 lại sụt giảm đáng kể với lợi nhuận sau thuế là 1.830 tỷ và 9 tháng đầu năm 2011 các công ty chứng khoán bị đã lỗ gần 1.500 tỷ đồng.

Về quản trị công ty chứng khoán, do có nhiều mô hình pháp lý khác nhau, cũng như có công ty là đại chúng niêm yết, có công ty đại chúng chưa niêm yết nên mức độ quản trị của các công ty chứng khoán cũng khác nhau và khả năng tuân thủ còn hạn chế.

Ngoài ra, việc liên thông giữa các công ty chứng khoán và ngân hàng là vấn đề đáng quan tâm. Các khoản vay được ngân hàng tài trợ dưới nhiều hình thức khác nhau như cho vay trực tiếp, đầu tư trái phiếu, uỷ thác đầu tư vốn, Repo (mua bán lại chứng khoán). Nhiều ngân hàng sử dụng công ty chứng khoán để lách các quy định của Ngân hàng Nhà nước trong việc cho vay và đầu tư dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng và các công ty chứng khoán.

Tuy nhiên cũng phải ghi nhận, trong những năm qua các công ty chứng khoán đã phát huy vai trò tổ chức trung gian, giúp cho thị trường hình thành và phát triển, luân chuyển vốn trong nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư trung và dài hạn, trong nước, nước ngoài cho doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ tích cực cho công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tư vấn phát hành và niêm yết trên TTCK.

Từ năm 2005 đến nay, thị trường chứng khoán đã huy động trên 543.000 tỷ đồng, trong đó trên 146.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, gần 400.000 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu, cổ phần hóa và chứng chỉ quỹ; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (danh mục đầu tư nước ngoài khoảng 7 tỷ USD) và bản thân các công ty chứng khoán cũng đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài lớn nhằm nâng cao năng lực tài chính, đổi mới mô hình hoạt động công ty, nâng cao năng lực quản trị công ty, quản lý rủi ro...

Hệ thống công nghệ thông tin, mạng lưới cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán đã được mở rộng, thu hút một lượng lớn khách hàng. Số lượng tài khoản của các nhà đầu tư tăng lên hơn 1 triệu tài khoản, trong đó có hơn 13.800 tài  khoản.
 
Ông cho biết những nội dung cơ bản của đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán?


Ông Vũ Bằng: Ủy ban sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế tổ chức và hoạt động các công ty chứng khoán.

Về các biện pháp xử lý trước mắt (đến trước 1/4/2012), Ủy ban tập trung giải quyết các công ty yếu kém, kiểm tra tình hình hoạt động của công ty chứng khoán có tỷ lệ vốn khả dụng dưới 150%. Xử lý các trường hợp liên tục vi phạm thiếu tiền thanh toán, lạm dụng tiền gửi của khách hàng.

Sau ngày 1/4/2012, đối với nhóm công ty chứng khoán bình thường, Ủy ban tiếp tục rà soát và giám sát tình hình tài chính, nhằm từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động của các công ty theo hướng mô hình ngân hàng đầu tư thực hiện đầy đủ các chức năng và mô hình công ty môi giới chỉ thực hiện nghiệp vụ môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Đối với nhóm công ty trong tình trạng kiểm soát, thực hiện tăng cường giám sát đình kỳ thường xuyên theo tuần. Về giải pháp kinh tế, các công ty phải có phương án khắc phục bao gồm các biện pháp giúp làm tăng thanh khoản, giảm chi phí, giảm tài sản có độ rủi ro cao, hợp nhất, sáp nhập với công ty chứng khoán khác... Công ty chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát khi tỷ lệ vốn khả dụng/tổn rủi ro đạt và vượt 180% trong 3 tháng liên tiếp.

Riêng nhóm công ty bị kiểm soát đặc biệt, ngoài các biện pháp xử lý như quy định tại nhóm trên nhằm khắc phục tình trạng bị “đèn đỏ”, Ủy ban sẽ thực hiện tăng cường giám sát định kỳ thường xuyên theo ngày, yêu cầu công ty kiểm toán giải trình, soát xét tình hình tài chính, công nợ của công ty. Trung tâm Lưu ký chứng khoán ngừng hỗ trợ thanh toán, tạm đình chỉ lưu ký chứng khoán mới nếu các công ty vi phạm các quy định về thanh toán. Sở giao dịch chứng khoán đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, đình chỉ tư cách thành viên nếu vi phạm các tiêu chuẩn quy định.

Công ty chứng khoán được đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt nếu tỷ lệ vốn khả dung lớn hơn 150% trong 03 tháng liên tiếp và áp dụng các biện pháp tái cấu trúc khác.

Biện pháp triển khai từ sau năm 2012, Ủy ban sẽ tăng cường năng lực quản trị và hoạt động của các công ty chứng khoán dựa trên ba trụ cột chính, Quy định về mức độ đủ vốn (theo quy định của Thông tư 226/2010/TT-BTC), Quy định hướng dẫn về thông lệ quản lý rủi ro cho các công ty chứng khoán, Xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá phân loại các công  ty chứng khoán.

Xin cảm ơn ông và chúc ông một năm mới thành công và hạnh phúc!

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục