Một nghiên cứu của nhóm 4 nhà khoa học Mỹ đã cho thấy biến thể Omicron của virus SARS-CoV2 về bản chất cũng nguy hiểm như các biển thể ghi nhận trước đó.
Điều này trái ngược với những kết luận được đưa ra trong các nghiên cứu trước đây rằng Omicron có khả năng lây lan với tốc độ vượt trội so với các biến thể khác, song lại gây ít ảnh hưởng hơn.
Để có được kết luận này, các nhà khoa học thuộc Bệnh viên đa khoa Massachusetts, Đại học Minerva và Trường Y Harvard đã tiến hành phân tích hồ sơ bệnh án của 130.000 bệnh nhân COVID-19 trong thời gian hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành vừa qua, cũng là thời điểm liên tiếp xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2.
Họ khẳng định nguy cơ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân mắc Omicron tương tự ở các biến thể khác của SARS-CoV-2 hoành hành.
Nghiên cứu thực hiện có sự điều chỉnh các yếu tố như nhân khẩu học, tiêm chủng và chỉ số bệnh đi kèm Charlson - chuyên được sử dụng để tiên lượng các trường hợp tử vong trong vòng một năm nhập viện điều trị ở những bệnh nhân có bệnh lý nền.
[Nguy cơ bùng phát đợt dịch COVID-19 mới do Delta hoặc biến thể khác]
Nghiên cứu, hiện đang trong quá trình bình duyệt tại cơ quan thẩm định của Nature và đã được đăng tải trên Research Square ngày 2/5.
Các tác giả cho biết nghiên cứu cũng có một số hạn chế như nghiên cứu có thể tính giảm số lượng người đã tiêm chủng trong các làn sóng dịch bệnh gần đây và tổng số ca mắc COVID-19 bởi nghiên cứu không tính số bệnh nhân tự xét nghiệm tại nhà.
Omicron đã được giới khoa học phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 11/2021, tức gần 2 năm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Trong gần 2 năm này, các biến thể Beta, Gamma, Alpha và Delta lần lượt xuất hiện, trong đó Delta - biến thể xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng 10/2020, đã nhanh chóng lây lan trên toàn thế giới và đây được coi là biến thể nguy hiểm nhất khi số người nhiễm, nhập viện và tử vong do COVID-19 đặc biệt tăng vọt./.