Olympic Tokyo và thông điệp của hy vọng chống lại đại dịch

Bài hát chính thức của Đại hội thể thao thế giới mùa Hè Olympic Tokyo 2020 sẽ vang lên, trong khi lá cờ Olympic tung bay đánh dấu thời điểm chính thức khai màn lễ hội thể thao lớn nhất hành tinh.
Vòng tròn Olympic tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 22/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tối nay 23/7, ngọn đuốc linh thiêng của Olympic sẽ được thắp sáng trên đài lửa của Sân vận động Quốc gia ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản).

Bài hát chính thức của Đại hội thể thao thế giới mùa Hè Olympic Tokyo 2020 sẽ vang lên, trong khi lá cờ Olympic tung bay đánh dấu thời điểm chính thức khai màn lễ hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Đó cũng là những biểu tượng, những thông điệp của hy vọng, tình đoàn kết, lòng dũng cảm và quyết tâm chiến thắng của con người, mà có lẽ không chỉ được thể hiện trong lĩnh vực thể thao.

Có thể nói, Olympic Tokyo 2020 là kỳ thế vận hội gian nan nhất trong lịch sử. Đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu hơn một năm rưỡi qua khiến sự kiện được cả thế giới mong đợi này phải lùi thời điểm tổ chức một năm.

Ngay lúc này, khi thời khắc khai mạc Olympic Tokyo 2020 chỉ còn tính bằng giờ, dịch bệnh vẫn bủa vây tứ bề. Nước đăng cai Olympic đã phải đưa ra phương án không cho cổ động viên nước ngoài tới Nhật Bản, Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra mà không có khán giả dự khán các trận thi đấu, mặc dù đó là một tổn thất rất lớn không chỉ về kinh tế.

Một số vận động viên có mặt tại Làng vận động viên – nơi lưu trú của các đoàn thể thao quốc tế trong thời gian tham gia tranh tài tại Nhật Bản, đã có xét nghiệm dương tính ngay trước lễ khai mạc.

Thậm chí ngày 21/7, Giám đốc điều hành Olympic Tokyo 2020 - ông Toshiro Muto vẫn còn để ngỏ khả năng hủy sự kiện này, nếu  mối đe dọa từ COVID-19 gia tăng đột biến…

Nhưng, bằng tất cả mọi nguồn lực cũng như sự quyết tâm mạnh mẽ của nước chủ nhà Nhật Bản, cùng với sự ủng hộ của các nước khác, Olympic Tokyo 2020, mà Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi là “sự kiện của hy vọng”, cũng được tổ chức.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định việc tổ chức Olympic Tokyo 2020 giữa vòng xoáy dịch bệnh là điều nên làm “để chứng minh cho thế giới thấy nhân loại có thể đạt được những gì, nếu có kế hoạch đúng đắn và các biện pháp phù hợp”.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một kỳ thế vận hội đã bị hoãn và lên lịch lại song vẫn giữ tên gốc - Olympic Tokyo 2020 - cho mục đích tiếp thị và xây dựng thương hiệu. Tokyo cũng là thành phố đầu tiên trên thế giới từng tổ chức 2 kỳ Olympic, lần đầu vào năm 1964.

Trong “trạng thái bình thường mới,” lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 sẽ được tổ chức đơn giản nhưng vẫn “mang tinh thần đặc trưng của Nhật Bản.”

Thay vì hơn 10.000 vận động viên vai sát vai diễu hành vào sân vận động đầy ắp người hâm mộ như thường lệ, cuộc diễu hành trong lễ khai mạc Olympic Tolyo 2020 sẽ có quy mô nhỏ hơn rất nhiều, các vận động viên di chuyển cách xa nhau và trước mắt họ là hàng chục nghìn ghế… trống khán giả.

Nhật Bản đã quyết định không mở cửa cho khán giả tới xem các môn thi đấu tại Olympic 2020, do đang áp đặt tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo khi số lượng người mắc COVID-19 gia tăng. Đây là kỳ Olympic đầu tiên diễn ra mà không có khán giả tới cổ vũ ở các điểm thi đấu.

Chỉ có khoảng 1.000 quan chức tham dự lễ khai mạc Olympic Tokyo. Trong số các nhà lãnh đạo thế giới tới sự kiện này có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene, Đệ nhất Phu nhân Mỹ Jill Biden...

Nhật hoàng Naruhito cũng sẽ có mặt tại Sân vận động Quốc gia và dự kiến tuyên bố khai mạc Olympic Tokyo 2020.

Có 205 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Olympic Tokyo 2020, trong đó, đoàn thể thao Bắc Macedonia lần đầu tiên góp mặt tại đấu trường này.

[Nhật Bản sẵn sàng cho một thế vận hội mùa Hè đặc biệt]

Đoàn thể thao đặc biệt nhất có lẽ là đoàn thể thao người tị nạn, với sự góp mặt của 29 vận động viên đến từ nhiều quốc gia như Syria, Congo, Nam Sudan, Iran, Afghanistan...

Sáng kiến của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) về việc thành lập đoàn thể thao đặc biệt này cách đây 5 năm đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của rất nhiều người, khi trao cho họ cơ hội thực hiện ước mơ, đồng thời viết nên những câu chuyện truyền cảm hứng.

Tại Olympic Tokyo 2020, sẽ có hơn 11.000 vận động viên tham gia tranh tài. Trong số này, đoàn thể thao có nhiều vận động viên nhất là Mỹ với 630 người, xếp trên chủ nhà Nhật Bản (552 người). Tiếp theo, lần lượt là Australia (469), Đức (425), Trung Quốc (414), Pháp (397), Italy (384), Canada (382), Anh (376).

Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là đoàn có nhiều vận động viên nhất, với 42 người, tiếp theo là Malaysia (30), Indonesia (28), Singapore (22), Philippines (19) và Việt Nam (18).

Người nhỏ tuổi nhất là vận động viên bóng bàn Hend Zaza (12 tuổi, người Syria) và người cao tuổi nhất là tay đua ngựa Mary Hanna (66 tuổi, người Australia, lần thứ 6 tham gia Olympic).

Vòng tròn Olympic tại công viên Hibiya ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 11/7/2021. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Với sự góp mặt của 4 môn mới Trượt ván (Skateboarding), Lướt sóng (Surfing), Leo núi thể thao (Sport Climbing) và Karate trong chương trình thi đấu, Olympic Tokyo là kỳ thế vận hội đầu tiên có số lượng môn thi lớn nhất nhất từ trước tới nay với 33 môn thể thao, gồm 339 nội dung (bổ sung 15 nội dung thi đấu mới ở các môn đã có từ trước).

Olympic Tokyo 2020 cũng đánh dấu sự trở lại của bộ môn bóng chày và bóng mềm, lần gần nhất được tranh tài tại Olympic Bắc Kinh 2008.

Olympic Tokyo là kỳ thế vận hội đầu tiên quy định mỗi đoàn thể thao quốc gia cử 2 vận động viên cùng cầm quốc kỳ trong phần diễu hành tại lễ khai mạc.

Đây là vinh dự lớn đối với mỗi vận động viên sau khi tất cả đã phải vất vả vượt qua các cuộc thi đấu tuyển chọn để giành quyền góp mặt tại những ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Hai vận động viên Quách Thị Lan (điền kinh) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi) được Ủy ban Olympic Việt Nam giao nhiệm vụ này, do cả 2 đều có thành tích thi đấu khá ấn tượng trong thời gian qua. Quách Thị Lan cũng là vận động viên nữ đầu tiên nhận trọng trách cầm cờ cho đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic.

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic 2020 có 18 vận động viên, tranh tài ở 11 môn thể thao gồm: bơi, bắn súng, cầu lông, cử tạ, thể dục dụng cụ, boxing, judo, taekwondo, rowing, bắn cung và điền kinh, phấn đấu giành huy chương về cho Tổ quốc.

Olympic Tokyo là kỳ đại hội đầu tiên có vận động viên Việt Nam tham dự với tư cách đương kim vô địch. Đó là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - người đã giành 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc bắn súng tại Olympic Rio 2016.

Trong lịch sử Olympic, ngoài Hoàng Xuân Vinh, những vận động viên Việt Nam đã đem vinh quang về cho đất nước còn là Trần Hiếu Ngân (taekwondo) tại Olympic Sydney 2000 , Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) Olympic Bắc Kinh 2008 và Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ) Olympic London 2012.

Nguyễn Tiến Minh là vận động viên kỳ cựu nhất của đoàn Việt Nam, khi có lần dự Olympic thứ tư liên tiếp. Trước đó, tay vợt cầu lông sinh năm 1983 đã tranh tài ở Olympic Bắc Kinh 2008, Olympic London 2012 và Olympic Rio 2016.

Một điểm đặc biệt của Olympic Tokyo 2020 là toàn bộ 5.000 huy chương vàng, bạc và đồng được tái chế hoàn toàn từ gần 79.000 tấn đồ điện tử cũ, do người dân tại Nhật Bản quyên tặng.

Trước lễ khai mạc, giới hâm mộ lại gọi tên những vận động viên có khả năng gặt hái nhiều huy chương nhất tại Olympic 2020, khi mà làng thể thao quốc tế đã có rất nhiều thay đổi kể từ Olympic tại Rio, “Tia chớp đen” Usain Bolt giờ đã lập gia đình và chuyển sang hoạt động âm nhạc ở Jamaica, trong khi “siêu kình ngư” Michael Phelps cũng đã từ giã sự nghiệp thi đấu.

Ở Olympic Tokyo, Caeleb Dressel đang được xem là người kế vị tiềm năng nhất của Phelps trong việc thu thập huy chương.

Vận động viên 24 tuổi người Mỹ này cũng đang đặt mục tiêu trở thành “kình ngư” thứ tư trong lịch sử giành được 7 huy chương trong một kỳ thế vận hội.

Trong khi đó, nam vận động viên người Na Uy Karsten Warholm và nữ vận động viên người Mỹ Sydney McLaughlin cũng đang được kỳ vọng làm nên kỳ tích tại môn “Thể thao Nữ hoàng” điền kinh.

Còn cô gái bé nhỏ người Mỹ Simone Biles đang đứng trước cơ hội lớn để san bằng kỷ lục 9 Huy chương Vàng Olympic của vận động viên huyền thoại của bộ môn thể dục Larisa Latynina (người Liên Xô cũ).

Song trên hết, tôn chỉ của Olympic không chỉ là giành Huy chương Vàng – như ước mơ và mục tiêu của mọi vận động viên - mà là tất cả cùng nỗ lực để có được huy chương của tình đoàn kết nhân loại, giống như ý tưởng của nhà quý tộc người Pháp Pierre de Coubertin - "cha đẻ" của Olympic hiện đại.

Ông Coubertin từng nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất của thế vận hội không phải là giành chiến thắng mà là việc được tham gia, cũng như điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là sự thành công mà là những thử thách cam go. Điều cần thiết không phải là trông chờ vào chiến thắng mà là chúng ta đã thi đấu hết mình."

Việc tổ chức Olympic một cách an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 cũng có thể ví như một chiến thắng trước nghịch cảnh vậy.

Tại Olympic Tokyo 2020, có lẽ, các vận động viên, ngoài thi đấu vì màu cờ sắc áo, sẽ hướng tới một mục tiêu cao hơn, đó là thể hiện quyết tâm, lòng dũng cảm và sức mạnh của con người trước đại dịch.

Tinh thần ấy sẽ cháy sáng cùng ngọn đuốc Olympic, mang theo thông điệp của hy vọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục