Olympic Tokyo: Lúng túng trước tình huống vận động viên mắc COVID-19

Trong suốt thời gian diễn ra Olympic Tokyo, các vận động viên và huấn luyện viên phải lấy mẫu nước bọt hằng ngày để xét nghiệm SARS-CoV-2; các xét nghiệm này thường cho kết quả sau 12 giờ.
Sân vận động quốc gia ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 8/7/2021. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là các trận đấu đầu tiên của môn bóng đá và bóng mềm trong khuôn khổ Olympic Tokyo sẽ diễn ra, các nhà tổ chức vẫn lúng túng trong việc xử lý tình huống các vận động viên nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo cuốn Cẩm nang Tokyo 2020 do Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo biên soạn, trong suốt thời gian diễn ra Olympic, các vận động viên và huấn luyện viên phải lấy mẫu nước bọt hằng ngày để xét nghiệm SARS-CoV-2.

Các xét nghiệm này thường cho kết quả sau 12 giờ. Điều này có nghĩa là các vận động viên có thể tham gia thi đấu miễn là họ cho kết quả âm tính vào ngày hôm trước hoặc buổi sáng.

Các vận động viên có kết quả dương tính hoặc không thể kết luận sẽ được tiến hành xét nghiệm PCR nhiều lần qua đường mũi, với khoảng cách từ ba đến năm giờ/xét nghiệm, tại một cơ sở ngoại trú trong làng Olympic.

Nếu tiếp tục có kết quả xét nghiệm dương tính, họ sẽ được yêu cầu rút khỏi danh sách thi đấu. Trong trường hợp này, các vận động viên sẽ được đánh dấu là "không bắt đầu" và sẽ không bị loại như những trường hợp dương tính với thuốc kích thích.

[Olympic Tokyo: 85% VĐV đã được tiêm vaccine hoặc miễn dịch với COVID]

Mặc dù vậy, quy định đối với các vận động viên tiếp xúc gần với người bị nhiễm SARS-CoV-2 lại chưa rõ ràng. Các đối tượng này sẽ được đánh dấu bởi ứng dụng theo dõi tiếp xúc COCOA của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) và ngay lập tức sẽ phải xét nghiệm PCR.

Để tiếp tục thi đấu, họ cần có sự cho phép của một nhóm chuyên gia và liên đoàn thể thao quốc tế liên quan, đồng thời có kết quả xét nghiệm PCR âm tính liên tục.

Đối với các trường hợp trên, cuốn cẩm nang chỉ nói rằng các biện pháp liên quan đến những trường hợp như vậy sẽ được xác định trên cơ sở "từng trường hợp cụ thể." Vì vậy, không ai biết chính xác khi nào những vận động viên này sẽ được thi đấu.

Hiện, các nhà tổ chức đang bố trí từ 2 đến 8 vận động viên ở chung một phòng trong làng Olympic. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, đội tuyển bóng ném Nhật Bản đã quyết định không xếp các cầu thủ cùng vị trí vào cùng một phòng vì lo ngại rằng đội có nguy cơ không thể thi đấu nếu một thủ môn có kết quả dương tính, trong khi thủ môn dự bị có tiếp xúc gần. Tuy nhiên, không phải đội tuyển nào cũng có thể áp dụng phương pháp này.

Trước đó, hôm 10/7, IOC đã thông báo quy định mới trong trường hợp vận động viên hoặc toàn bộ đội không được phép thi đấu. Cụ thể, nếu một vận động viên bỏ cuộc trong các môn đối kháng cá nhân như judo, quyền anh và quần vợt, đối thủ của họ sẽ thắng trận đấu đó. Đối với các môn khác như điền kinh, bơi lội, ca nô và thuyền, đối thủ đủ điều kiện tiếp theo sẽ thế chỗ.

Một trong những lo ngại lớn nhất của các nhà tổ chức là trường hợp một đội có người mắc COVID-19 ngay trước khi chơi trận chung kết. Ở nội dung bóng mềm và bóng bầu dục, đội thua trong trận bán kết với đội có người mắc COVID-19 sẽ được chọn để thi đấu. Trong trường hợp đó, đội thua trong trận chung kết và đội lọt vào chung kết nhưng không được thi đấu vì có người mắc COVID-19 sẽ được trao huy chương bạc.

Trong bóng rổ, ngược lại, trận đấu cuối cùng sẽ bị hủy bỏ, và đội có người mắc COVID-19 sẽ được trao huy chương bạc, còn đối thủ của họ sẽ được trao huy chương vàng.

Olympic Tokyo là Thế vận hội mùa Hè đầu tiên được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang lây lan trên khắp thế giới. Vì vậy, các nhà tổ chức đang phải đối mặt với các thách thức vô cùng lớn để đảm bảo thành công cho sự kiện thể thao này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục