Olympic Tokyo 2020: Vinh quang và sức ép từ mạng xã hội

Để ngăn nguy cơ sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng trước áp lực, nhiều vận động viên đã tránh xa mạng xã hội - một bước đi họ cho rằng rất cần thiết để bảo vệ chính mình.
Olympic Tokyo 2020: Vinh quang và sức ép từ mạng xã hội ảnh 1Kình ngư Australia Ariarne Titmus cho biết cô đã xóa mọi ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại để tránh áp lực từ bên ngoài. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quy định phòng dịch COVID-19 khiến các vận động viên khi không thi đấu đều phải dành phần lớn thời gian ở trong căn phòng của họ tại làng Olympic. Nhiều người vì vậy đã chọn lên mạng xã hội để “giải khuây.”

Đây cũng chính là lý do khiến TikTok trở thành hiện tượng ở Olympic Tokyo 2020 bởi số lượng vận động viên sử dụng ứng dụng này tăng đột biến.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau khi Simone Biles quyết định rút lui khỏi nội dung thể dục dụng cụ toàn năng nữ để tập trung vào việc hồi phục sức khỏe tinh thần.

Ngày 28/7 vừa qua, Biles - một trong những vận động viên thể dục dụng cụ vĩ đại nhất mọi thời đại, đã quyết định không tham gia chung kết nội dung thi đấu trên tại Olympic Tokyo 2020 do lo ngại sức khỏe tinh thần.

Những gì xảy ra với nữ vận động viên 24 tuổi từng 4 lần giành huy chương Vàng Olympic đã tác động tới nhiều vận động viên đang tham dự Olympic Tokyo 2020.

Để ngăn nguy cơ sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng trước áp lực, nhiều vận động viên đã tránh xa mạng xã hội - một bước đi họ cho rằng rất cần thiết để bảo vệ chính mình.

Kình ngư Australia Ariarne Titmus - vận động viên đã giành được 2 huy chương Vàng Olympic Tokyo 2020 ở nội dung 200m và 400m tự do - cho biết cô đã xóa mọi ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại để tránh áp lực từ bên ngoài.

Titmus chia sẻ: “Tôi cố gắng không đọc bất cứ điều gì trên mạng xã hội vì tôi nghĩ điều đó có thể tạo thêm áp lực. Tôi nghĩ rằng thật tốt khi bạn có thể thoát khỏi mạng xã hội trong thời gian bạn tập trung thi đấu. Khi đó, bạn không có điều gì khác để lo lắng.”

[Vận động viên đầu tiên đoạt 3 huy chương vàng tại Olympic Tokyo 2020]

Đối với tay đua xe đạp người Hà Lan, Annemiek van Vleuten, rời mạng xã hội là một lựa chọn đúng đắn để giúp bản thân giữ được tinh thần ổn định sau sự cố lầm tưởng mình là người chiến thắng vào ngày 25/7.

Olympic Tokyo 2020: Vinh quang và sức ép từ mạng xã hội ảnh 2Simone Biles chịu áp lực lớn đến nỗi phải bỏ thi toàn năng (Nguồn: AP)

Vượt qua vạch đích sau khi hoàn thành chặng đua đường trường 147km, Annemiek van Vleuten giơ hai cánh tay lên để ăn mừng. Tuy nhiên, Annemiek van Vleuten không biết rằng đối thủ Anna Kiesenhofer người Áo đã cán đích trước cô khoảng 1 phút 15 giây.

Trong nỗ lực ứng phó với phản ứng dữ dội của công chúng nhằm vào khoảnh khắc đau lòng nói trên, Annemiek van Vleuten đã quyết định khóa mạng xã hội.

Nỗ lực của tay đua người Hà Lan đã được đền đáp. Ngày 28/7, cô đã xuất sắc giành tấm huy chương Vàng ở nội dung đua xe đạp 22,1km với thành tích 30 phút 13 giây.

Chia sẻ với truyền thông sau chiến thắng, cô nhấn mạnh: “Tôi đã khóa tài khoản Twitter. Tôi để mọi người cứ việc bàn tán. Thông điệp mà tôi rút ra được từ chuyện này là: Tôi đã khóa nó một lần nữa để có được trạng thái tốt nhất từ trước tới nay.”

Tương tự, công thức thành công tại Olympic Tokyo của kình ngư Yui Ohashi chính là tắt mạng xã hội. Ohashi đã giành được huy chương Vàng ở nội dung bơi 200m hỗn hợp cá nhân nữ với thành tích 2 phút 8 giây 52 hôm 28/7. Trước đó, vào ngày 25/7, vận động viên người Nhật Bản cũng đã giành huy chương Vàng ở nội dung 400m cá nhân.

Ohashi cho biết sau khi giành huy chương Vàng đầu tiên, cô đã tắt thông báo từ ứng dụng Twitter và LINE trên điện thoại của mình vì muốn tập trung thi đấu nội dung 200m hỗn hợp cá nhân vào hôm sau.

Ohashi đã rút ra được bài học cho riêng mình sau lần để tuột mất huy chương Vàng tại Giải vô địch thế giới ở Budapest năm 2017. Tại giải đấu đó, vào đêm trước ngày tranh tài, Ohashi bận rộn trả lời tin nhắn và điều này đã phá vỡ sự tập trung của cô.

Lần này, nữ kình ngư đã có quyết định rất đúng đắn khi tránh xa khỏi mọi ồn ào bên ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục