Olympic Tokyo 2020: Cùng nhau giữ vững tinh thần Olympic

Với những gì diễn ra trong hơn 2 tuần lễ vừa qua, có thể khẳng định thế vận hội mùa Hè này đã thành công, bất chấp bóng đen COVID-19 bao phủ không chỉ đối với chủ nhà Nhật Bản mà còn cả toàn thế giới.
VĐV Venezuela Yulimar Rojas phá kỷ lục thế giới ở nội dung nhảy xa ba bước nữ, tại Olympic Tokyo 2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
VĐV Venezuela Yulimar Rojas phá kỷ lục thế giới ở nội dung nhảy xa ba bước nữ, tại Olympic Tokyo 2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 8/8, Olympic Tokyo 2020 đã khép lại. Với những gì diễn ra trong hơn 2 tuần lễ vừa qua, có thể khẳng định thế vận hội mùa Hè này đã thành công, bất chấp bóng đen COVID-19 bao phủ không chỉ đối với chủ nhà Nhật Bản mà còn cả toàn thế giới.

Đây là bằng chứng có sức thuyết phục nhất cho thấy nếu có sự đồng lòng và quyết tâm như đã thể hiện trong quá trình tổ chức sự kiện thể thao này, loài người hoàn toàn có thể chiến thắng dịch COVID-19.

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) sáng 8/8, Chủ tịch IOC Thomas Bach khẳng định "Giờ đây, chúng ta có thể tự tin nói rằng chúng ta đã trải qua một thế vận hội cực kỳ thành công."

Trước hết, khác với các thế vận hội đã từng diễn ra trong lịch sử, Olympic Tokyo 2020 được tổ chức trong lúc dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp toàn cầu.

Vì vậy, đối thủ lớn nhất với các nhà tổ chức, trong đó có Chính phủ Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo và IOC, chính là virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các nhà tổ chức đã chiến thắng khi hạn chế được tối đa nguy cơ lây nhiễm, từ đó đảm bảo an toàn cho những người tham dự và cho người dân địa phương.

Theo ban tổ chức, kể từ ngày 1/7 cho đến khi bế mạc, chỉ có tổng cộng 430 ca mắc COVID-19 trong hàng chục nghìn người có liên quan tới Olympic, trong đó có 286 ca là công dân Nhật Bản và 144 ca là người nước ngoài.

Đây là con số đáng ghi nhận khi mà số ca mắc COVID-19 liên tiếp vượt những ngưỡng cao mới bất chấp việc Chính phủ Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thành phố này từ ngày 8/7.

Đáng chú ý, theo ban tổ chức, chỉ có 29 trong khoảng 11.000 vận động viên có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, trong đó chỉ có 19 người không thể thi đấu.

[Đoàn thể thao Mỹ giành vị trí số 1 chung cuộc tại Olympic Tokyo 2020]

Phát biểu với các phóng viên, ông Toshiro Muto, phụ trách điều hành tổ chức Olympic Tokyo, chia sẻ: "Bước vào Olympic với lời hứa tổ chức thế vận hội an toàn cho tất cả những người tham gia, cho người dân Tokyo và người dân trên khắp đất nước Nhật Bản, cho đến thời điểm này, tôi nghĩ chúng tôi có thể kiềm chế dịch COVID-19 ở mức trong dự báo."

Trong khi đó, Chủ tịch IOC khẳng định sự gia tăng của số ca mắc COVID-19 ở thủ đô Tokyo không có liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới Olympic.

Để có được kết quả như vậy, các nhà tổ chức đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt và chưa từng có trong lịch sử Olympic, trong đó có việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo, không cho phép khán giả nước ngoài nhập cảnh để theo dõi Olympic và không cho khán giả ở Nhật Bản tới cổ vũ cho các vận động viên ở phần lớn các địa điểm thi đấu.

Điều này khiến Olympic Tokyo đi vào lịch sử khi trở thành kỳ Olympic đầu tiên vắng bóng khán giả trên các khán đài và là Olympic đầu tiên được tổ chức trong lúc thành phố đăng cai vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp.

Olympic Tokyo 2020: Cùng nhau giữ vững tinh thần Olympic ảnh 1Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt tại Olympic Tokyo 2020. (Nguồn: Getty Images)

Trong thời gian diễn ra Olympic, ban tổ chức đã tiến hành xét nghiệm PCR hằng ngày cho tất cả những người có liên quan, đồng thời nhanh chóng cách ly các ca dương tính.

Các số liệu thống kê của Ban tổ chức cho thấy tính đến trước lễ bế mạc, hơn 624.000 xét nghiệm đã được thực hiện, với tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 chỉ là 0,02%.

Trước đó, bình luận về các biện pháp mà Nhật Bản triển khai để phòng chống dịch COVID-19 ở Olympic Tokyo, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá Nhật Bản và IOC đang làm tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ lây lan của dịch COVID-19 trong thời gian diễn ra Olympic, đồng thời cho rằng cần tổ chức Olympic Tokyo để chứng minh cho thế giới thấy những gì có thể đạt được với kế hoạch đúng đắn và các biện pháp phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19.

Không chỉ thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, Olympic Tokyo 2020 cũng rất thành công về mặt chuyên môn. Trước hết, với sự góp mặt của 4 môn thể thao mới gồm trượt ván, lướt sóng, leo núi thể thao và karate, Olympic Tokyo là thế vận hội mùa Hè đầu tiên có số lượng môn thi đấu lớn nhất từ trước tới nay. Điều này đã khiến sự kiện này trở nên hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, tại kỳ Olympic lần này, hàng loạt kỷ lục đã tồn tại từ lâu bị phá vỡ. Điều này diễn ra ngay cả khi sự lây lan của dịch COVID-19 trong gần 2 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình chuẩn bị và phong độ của các vận động viên.

Ở môn điền kinh cự ly 1.500m nữ, vận động viên Faith Chepngetich Kipyegon người Kenya đã phá kỷ lục Olympic tồn tại suốt 33 năm qua. Hay như ở nội dung 400m vượt rào nam, vận động viên Karsten Warholm của Na Uy đã phá kỷ lục thế giới được duy trì trong suốt 29 năm.

Mặt khác, tại Olympic Tokyo 2020, một lứa vận động viên trẻ nhưng hết sức xuất sắc đã được phát hiện, hứa hẹn sẽ thay thế các gương mặt đã quen thuộc với người hâm mộ trong nhiều năm qua.

Trong số này, đáng chú ý có các kình ngư Caeleb Dressel của Mỹ và Emma McKeon của Australia. Dressel chính là ngôi sao sáng nhất tại Olympic Tokyo 2020 khi phá 4 kỷ lục Olympic và 2 kỷ lục thế giới, đồng thời mang về cho đội tuyển bơi lội Mỹ tới 5 huy chương Vàng, trong khi McKeon là một trong nữ vận động viên xuất sắc nhất khi giành tới 4 huy chương Vàng.

Olympic Tokyo 2020: Cùng nhau giữ vững tinh thần Olympic ảnh 2Caeleb Dressel phá hàng loạt kỷ lục ở Olympic Tokyo. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại Olympic Tokyo 2020, có 93 trong tổng số 203 đoàn thể thao tham dự giành được huy chương, tăng 7 đoàn so với Olympic 2016 ở Rio de Janeiro và Olympic 2012 ở London.

Trong số này, đáng chú ý có Bermuda - một quốc đảo nhỏ với khoảng 63.000 dân nằm giữa Đại Tây Dương. Bermuda đã có mặt trên bảng vàng của thế vận hội nhờ chiếc huy chương Vàng của vận động viên Flora Duffy ở nội dung ba môn phối hợp.

Điều này cho thấy Olympic không chỉ là “sân chơi của những ông lớn”, các vận động viên đến từ mọi quốc gia/vùng lãnh thổ đều có cơ hội giành được vinh quang.

Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa các đoàn thể thao. Điều này thể hiện ở việc 5 đoàn thể thao dẫn đầu (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Ủy ban Olympic Nga) giành tới 38,8% huy chương và hơn 43% huy chương Vàng của thế vận hội, trong khi có tới 110 đoàn không giành được huy chương nào, trong đó có đoàn thể thao Việt Nam.

Tại Olympic Tokyo 2020, trong số 18 vận động viên của Việt Nam, chỉ có tay vợt Nguyễn Thùy Linh có 2 chiến thắng trong số 3 trận đấu ở vòng loại cầu lông đơn nữ và vận động viên Quách Thị Lan lọt vào bán kết ở nội dung 400m rào nữ. 

Không phải ngẫu nhiên mà ở thế vận hội này, khẩu hiệu quen thuộc của Olympic “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” đã được bổ sung thêm cụm từ “cùng nhau.”

Có thể nói, trong lúc thế giới đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, Olympic Tokyo 2020 đã giúp khơi dậy tinh thần thể thao và tinh thần đoàn kết, đồng thời thắp sáng hy vọng cho mọi người trên khắp thế giới. Nhiều người tin tưởng tinh thần Olympic đó sẽ tiếp tục được duy trì để cộng đồng quốc tế cùng nhau chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục