Từ ngày 26/7 đến 11/8, Olympic Paris 2024 sẽ diễn ra tại thủ đô Paris của Pháp. Đây là lần thứ ba Pháp trở thành nước chủ nhà tổ chức Thế vận hội mùa Hè, hứa hẹn mang đến những màn tranh tài đỉnh cao và những khoảnh khắc truyền cảm hứng cho khán giả toàn cầu.
Trải qua hơn 1 thế kỷ, trung thành với mục tiêu là góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn thông qua việc giáo dục tuổi trẻ bằng thể thao không phân biệt giai cấp, giàu nghèo trong tinh thần hữu nghị, đoàn kết và công bằng, Olympic đã và đang tiếp tục khẳng định là một trong những kỳ thể thao được mong đợi nhất hành tinh.
Olympic - Đại hội thể thao của hòa bình và hữu nghị
Từ lâu Thế vận hội, hay Đại hội thể thao Olympic đã được biết đến là một đại hội thể thao lớn nhất và lâu đời nhất hành tinh. Thế vận hội không chỉ là cuộc đua thể lực, sự dẻo dai, khéo léo mà còn biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, hữu nghị vì hòa bình của toàn nhân loại.
Khởi nguồn của Đại hội thể thao Olympic được xuất phát từ Hy Lạp. Từ thời cổ đại, dân tộc Hy Lạp không chỉ nổi tiếng với nền văn minh phát triển rực rỡ, mà còn có tinh thần thượng võ qua các môn thể thao. Ở đất nước này, luôn có những địa điểm thi đấu thể thao dành cho các lực sĩ. Để thể hiện tinh thần thượng võ, các thành bang thuộc Hy Lạp đã đưa các lực sỹ và vận động viên tài giỏi nhất của mình ra tranh tài. Và chính điều đó đã khai sinh ra Đại hội thể thao thống nhất trên toàn Hy Lạp, được gọi là Olympic.
Năm 1892, Nam tước người Pháp Pierre de Coubertin lần đầu tiên đưa ra ý tưởng khôi phục Olympic khi ông nhận thấy rằng thể dục thể thao làm cho con người trở nên nhanh nhẹn và khỏe mạnh hơn. Hai năm sau, năm 1894, ông Coubertin tổ chức hội nghị gồm 75 đại biểu đến từ 9 quốc gia. Hội nghị đã quyết định thành lập Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và ông Demetrious Vikelas - đại biểu của Hy Lạp, được bầu làm chủ tịch đầu tiên của IOC.
Kỳ đại hội thể thao Olympic hiện đại đầu tiên trên thế giới (thường gọi là Olympic mùa Hè) đã được tổ chức vào năm 1896, tại thành phố Athens, Hy Lạp - quê hương của Olympic. Dù gặp không ít khó khăn nhưng kỳ Thế vận hội hiện đại đầu tiên này đã được ghi nhận là một kỳ Olympic thành công, nhờ những cuộc tranh tài thể thao có quy mô lớn nhất tại thời điểm đó.
Với số lượng vận động viên tham gia đông đảo nhất, đoàn chủ nhà Hy Lạp đã giành được những thành tích nổi bật, trong đó có chiến thắng ở bộ môn Marathon của vận động viên Spiridon Louis và nhà vô địch bộ môn cử tạ Launceston Elliot.
Vận động viên người Mỹ James Brendan Connolly đã trở thành nhà vô địch Olympic đầu tiên khi giành chiến thắng ở bộ môn Nhảy 3 bước, qua đó góp phần rất lớn trong chiến thắng của đoàn Mỹ tại kỳ Thế vận hội lần này.
Người Đức cũng để lại những dấu ấn lớn khi xuất sắc giành được 13 huy chương, trong đó có đóng góp không nhỏ của vận động viên Carl Schuhmann, người đã giành được tới 4 huy chương Vàng...
Không chỉ góp phần nêu bật các tiềm năng thể thao con người, thành công của kỳ Thế vận hội hiện đại đầu tiên này đã tiếp tục khẳng định thể thao chính là công cụ mạnh mẽ đóng góp vào quá trình phát triển và xây dựng hòa bình. Thông qua thi đấu thể thao, các cộng đồng, các dân tộc trên thế giới cùng thúc đẩy tình đoàn kết, sự hòa nhập xã hội và sự gắn kết cùng tồn tại hòa bình.
Thành công ở kỳ Thế vận hội đầu tiên cũng trở thành động lực cho các quốc gia tiếp tục đăng cai tổ chức các kỳ Thế vận hội sau đó. Và cứ sau 4 năm, ngày hội thể thao này sẽ lại được tổ chức tại một đất nước khác nhằm lan tỏa không khí thể thao vì hòa bình hữu nghị đi khắp thế giới.
Olympic mùa Đông được thành lập vào năm 1924 cho những môn thể thao mùa Đông. Ban đầu Olympic mùa Đông được tổ chức cùng năm với Olympic mùa Hè, nhưng từ năm 1994, Olympic mùa Đông và Olympic mùa Hè diễn ra xen kẽ nhau hai năm một lần và vào các năm chẵn.
Nếu như tại kỳ Olympic hiện đại đầu tiên chỉ có vài bộ môn thi đấu như đua xe đạp, đấu kiếm, thể dục, bắn bia, bơi, quần vợt, điền kinh, cử tạ và đấu vật và chỉ có 14 đoàn tham dự, thì đến Olympic Tokyo 2020 đã thu hút khoảng 11.000 vận động viên đến từ 205 đoàn quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Trong khi đó, tại Olympic Paris 2024 là hơn 10.500 vận động viên từ 206 đoàn quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia tranh tài. Đây là kết quả của một quá trình lịch sử hơn 100 năm kể từ khi Olympic hiện đại ra đời.
Các nghi thức và biểu tượng
- Chọn thành phố đăng cai: Để đăng cai một kỳ Olympic, các thành phố của các nước phải đệ trình bản kế hoạch đáp ứng đủ các tiêu chí lên Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Sau khi bản kế hoạch được đưa lên, IOC tiến hành bỏ phiếu bầu chọn và thành phố nhận được nhiều phiếu nhất sẽ trở thành thành phố được quyền tổ chức Thế vận hội Olympic.
- Lễ rước đuốc Olympic: Sau buổi lễ thắp đuốc ở Đền Hera ở thị trấn nhỏ Peloponnese (Tây Nam Hy Lạp), nơi Thế vận hội ra đời vào năm 776 trước Công nguyên, hành trình rước đuốc bắt đầu. Ngọn đuốc được đưa bằng máy bay từ nước này sang nước khác. Vào cuối hành trình rước, người rước đuốc cuối cùng sẽ tiến vào sân vận động ở thành phố tổ chức. Người rước đuốc cuối cùng thường là một vận động viên Olympic, huyền thoại thể thao hoặc người có đóng góp đặc biệt cho xã hội. Người rước đuốc cuối cùng sẽ chạy xung quanh sân vận động một lần rồi thắp sáng đài lửa, đánh dấu một kỳ Olympic mới chính thức bắt đầu. Đài lửa sẽ được thắp trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội.
- Lá cờ chính thức của Olympic: Lá cờ do ông Pierre de Coubertin, người sáng lập Thế vận hội Olympic hiện đại, tạo ra vào năm 1914, gồm 5 vòng tròn liên kết với các màu xanh dương, vàng, đen, xanh lá, đỏ trên nền màu trắng. 5 vòng tròn này tượng trưng cho sự đoàn kết, hữu nghị và hợp tác hòa bình giữa các quốc gia năm châu. Lá cờ Olympic tung bay lần đầu tiên trong Thế vận hội Olympic năm 1920.
- Khẩu hiệu của Olympic: Năm 1921, “Citius, Altius, Fortius” (“Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”) đã được ông Coubertin lựa chọn làm câu khẩu hiệu của Olympic.
- Lời tuyên thệ của Olympic: Ông Coubertin đã viết một lời tuyên thệ cho các vận động viên đọc vào mỗi kỳ Thế vận hội. Tuyên thệ Olympic được vận động viên đấu kiếm người Bỉ Victor Boin đọc lần đầu tiên trong Thế vận hội Olympic 1920. Tại buổi lễ khai mạc, một vận động viên của đội chủ nhà thay mặt cho tất cả các vận động viên tham dự Olympic đọc lời tuyên thệ: “Thay mặt tất cả các vận động viên, tôi xin hứa tôn trọng, tuân thủ các nguyên tắc của Ban điều hành Olympic và tham gia thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng."
- Huy chương Olympic: Các huy chương của Olympic được thiết kế đặc biệt cho mỗi kỳ Thế vận hội Olympic, gồm ba loại: huy chương Vàng, huy chương Bạc và huy chương Đồng. Mỗi huy chương đều dày 3mm và có đường kính 60mm./.
Olympic Paris 2024: Thông điệp đặc biệt với thể thao thế giới
Olympic Paris 2024 hứa hẹn mang đến những màn tranh tài đỉnh cao và những khoảnh khắc truyền cảm hứng cho khán giả toàn cầu.