Dù không phải là một khu vực nổi trội trong làng thể thao thế giới, nhưng các nước trong khu vực Đông Nam Á đã đạt được thành tích khá ấn tượng tại thế vận hội Olympic Paris 2024 với 5 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc và 8 huy chương Đồng, khi các vận động viên Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore bước lên bục vinh quang nhờ những màn trình diễn thuyết phục.
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, xét về thành tích ở cấp độ khu vực, tại Olympic 2024, các nước trong khu vực vẫn bảo toàn được số lượng huy chương Vàng cao nhất tại 1 kỳ thế vận hội mà các nước này đã tham gia, với 5 huy chương Vàng.
Tổng số 16 huy chương của khu vực đạt được tại kỳ Olympic lần này chỉ đứng sau thành tích 5 huy chương Vàng, 10 huy chương Bạc và 3 huy chương Đồng đạt được ở Olympic Rio 2016 và cải thiện so với thành tích 3 huy chương Vàng, 4 huy chương Bạc và 6 huy chương Đồng ở Tokyo 2020.
Đáng chú ý, đoàn thể thao Philippines đã đạt được thành tích tốt nhất trong nhóm các nước Đông Nam Á tham dự Olympic năm nay.
Công lớn thuộc về Carlos Yulo khi Vận động viên thể dục dụng cụ có chiều cao 1,5 m đã làm nên lịch sử với chiến thắng kép ở nội dung biểu diễn trên sàn và nội dung nhảy chống nam.
Trong khi quyền Anh lâu nay là môn thể thao phổ biến ở Philippines nhưng kết quả thi đấu môn thể dục dụng cụ đã có xu hướng đi lên kể từ SEA Games 2011.
Philippines cũng từng khẳng định tăng cường đầu tư cho môn thể thao này bằng cách chiêu mộ những tài năng sinh ra ở nước ngoài như Emma Malabuyo, Aleah Finnegan và Levi Jung-Ruivivar, những người từng đại diện cho Mỹ nhưng tham gia Olympic Paris với tư cách là người Philippines.
Olympic Paris 2024 đánh dấu lần đầu tiên Indonesia giành huy chương Vàng Olympic ở môn đấu không phải cầu lông. Sau khi những ngôi sao như Jonatan Christie và Anthony Ginting bị loại một cách bất ngờ ở vòng bảng, Vận động viên Leo núi thể thao Veddriq Leonardo đã giành huy chương Vàng với thành tích 4,75 giây.
Vận động viên cử tạ Rizki Juniansyah giành thêm một huy chương Vàng nữa, trong khi Gregoria Tunjung tiếp nối lịch sử cầu lông phong phú của quốc gia vạn đảo với huy chương Đồng đơn nữ.
Chiếc huy chương Vàng leo núi thể thao của Indonesia cũng nhen lên một kế hoạch chi tiết về hướng phát triển cho các Vận động viên trong khu vực.
Họ có thể phải chật vật hơn nhiều để giành vé vào Olympic hoặc đạt được huy chương nếu theo đuổi những môn thể thao truyền thống cần đầu tư về cơ sở hạ tầng và nguồn lực nhưng leo núi thể thao có thể là hướng đi dễ dàng hơn.
Đề cập việc vận động viên Maximilian Maeder của Singapore đã giành được huy chương Vàng trong nội dung thả diều nam, Trưởng đoàn thể thao Singapore Tan Wearn Haw cho rằng các nước trong khu vực cần nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, nhất là khi có sự đổi mới trong thể thao, trong các sự kiện và hình thức thi đấu... để có thể nhảy vào trật tự phân hạng thể thao thế giới vì thể thao khu vực vẫn còn trẻ so với nhiều quốc gia đã phát triển thể thao lâu đời.
Ông Haw cũng gợi ý rằng các nước trong khu vực nên tập trung vào một số môn đấu thích hợp nhất định và trong các lĩnh vực thích hợp đó, cần phải đi trước xu hướng./.
Lần đầu tiên một vận động viên châu Phi giành Huy chương Vàng thể dục dụng cụ
Nữ vận động viên Kaylia Nemour của Algeria đã giành huy chương Vàng ở nội dung xà lệch tại Thế vận hội Paris, đánh dấu lần đầu tiên Algeria, thế giới Arab và châu Phi giành huy chương Vàng ở môn này.