Nhằm thúc đẩy phong trào bình đẳng giới, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) sẽ yêu cầu mỗi ủy ban Olympic quốc gia ưu tiên cử số lượng nam vận động viên và nữ tới Olympic mùa Hè 2024 tại Paris (Pháp) là ngang bằng nhau.
Nếu yêu cầu này được tuân thủ, Olympic mùa Hè 2024 sẽ trở thành kỳ thế vận hội đầu tiên trong lịch sử có cùng số lượng vận động viên nam và nữ.
IOC cũng mong muốn đảm bảo các tiêu chí gồm đội cầm cờ gồm cả nam và nữ, 30% các thành viên ban lãnh đạo các đội tuyển là nữ.
Theo báo cáo của IOC, các đoàn thể thao từ Brunei, Suriname, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Vanuatu tham dự Olympic Tokyo 2020 (diễn ra vào năm 2021 do phải hoãn vì đại dịch COVID-19) mà không có thành viên nữ nào.
Trong kỳ thế vận hội này, IOC cũng đã đưa ra các yêu cầu rằng đội cầm cờ của các đoàn thể thao cần có 1 nam và 1 nữ.
Khoảng 90% các đoàn đã thực hiện đúng yêu cầu này.
Ngoài ra tại Olympic Tokyo 2020, tỷ lệ nữ trong các ban lãnh đạo các đội tuyển là dưới 30%, trong đó tỷ lệ nữ trong ban huấn luyện là 13% và trong nhóm các đội trưởng là 19%.
Sự kiện thể thao mùa Hè 2024 đánh dấu lần đầu tiên Olympic trở lại với Paris kể từ năm 1900 vốn là kỳ đại hội thể thao đầu tiên có các nữ vận động viên tranh tài.
Lịch thi đấu tại Olympic Paris 2024 cũng phản ánh nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới. Trong đó có thể kể đến như lần đầu tiên trong lịch sử bộ môn chạy marathon nữ sẽ được tổ chức trong ngày thi đấu cuối cùng của cả kỳ đại hội.
Bóng bàn nữ cũng là nội dung thi đấu cuối cùng của bộ môn bóng bàn và huy chương vàng cuối cùng được trao tại kỳ đại hội này sẽ dành cho môn bóng rổ nữ./.
Thể thao Việt Nam năm 2023: 'Năm bản lề để hướng tới Olympic Paris 2024'
Nhìn lại một năm của Thể thao Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến đã có những đánh giá về thành tích, chia sẻ về mục tiêu và chiến lược phát triển thể thao trong năm 2024.