Oitomi - sự tiếp nối liền mạch từ truyền thống đến thời kỳ đương đại

Với lịch sử kéo dài hơn 170 năm, các nghệ nhân của gia tộc samurai Nambu, phía Bắc tỉnh Iwate, cẩn thận bảo vệ, truyền lại những kỹ năng đặc biệt, đảm bảo sự tiếp nối liền mạch với thời kỳ đương đại.
Một góc cửa hàng giới thiệu sản phẩm của xưởng Oitomi. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Đồ sắt Nambu có nguồn gốc từ giữa thế kỷ 17, xuất hiện cùng với sự cai trị của gia tộc samurai Nambu ở phía Bắc tỉnh Iwate.

Với lịch sử kéo dài hơn 170 năm, các nghệ nhân nơi đây đã cẩn thận bảo vệ và truyền lại những kỹ năng đặc biệt, đảm bảo sự tiếp nối liền mạch với thời kỳ đương đại.

Nguồn gốc của đồ sắt Nambu ở Oshu bắt nguồn từ khi lãnh chúa Fujiwara no Kiyohira mời những nghệ nhân từ Kyoto vào nửa cuối thế kỷ 12 để làm nhiều mặt hàng khác nhau như đồ vật cho bàn thờ Phật giáo. Do có nhiều vật liệu như sắt chất lượng và cát sông có sẵn từ thời xa xưa ở các thành phố Oshu và Morioka ở Iwate, nên sản xuất gang từ lâu đã trở nên phổ biến và đồ sắt được sản xuất tại hai thành phố này được gọi là đồ sắt Nambu.

Cơ sở Oitomi, được thành lập tại Oshu vào năm 1848, bắt đầu bằng việc sản xuất ấm trà dưới sự bảo hộ của Lãnh chúa Date, và đã có tuổi đời hơn 170 năm. Đây là nơi quy tụ nhiều thợ thủ công lành nghề với trọng tâm công việc là tạo đồ dùng bằng sắt và gang bằng kỹ thuật chế tác Nambu.

Ấm đun nước bằng sắt Nambu (Nambu tetsubin), một ví dụ điển hình về sản phẩm đồ sắt Nambu, ban đầu là ấm đun nước pha trà dùng trong các buổi lễ trà đạo. Nambu tetsubin là một chiếc ấm sắt mang phong cách trang nghiêm và mộc mạc. Phần nắp và tay cầm chủ yếu được làm từ sắt, trong khi họa tiết Arare, đặc trưng bởi các chấm lõm-lồi, đã trở thành biểu tượng của tetsubin Nhật Bản. Trên bề mặt của ấm, một lớp sơn mài Nhật Bản được phủ một cách tỉ mỉ, không chỉ mang lại đặc tính chống gỉ mà còn mang đến cho người dùng niềm vui khi chiêm ngưỡng màu sắc sâu lắng của lớp gỉ sắt.

Sản phẩm ấm pha trà của xưởng Oitomi. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Các xu hướng đương đại phản ánh sự gia tăng về mức độ phổ biến đối với những hình dáng hợp thời trang và những sắc thái rực rỡ hài hòa với lối sống hiện đại.

Một trong những ứng dụng của đồ sắt Nambu là uống nước đun sôi trong ấm sắt với mục đích duy trì sức khỏe, chẳng hạn như cơ thể hấp thụ được ion sắt hòa tan vào nước trong quá trình đun sôi để ngăn ngừa thiếu máu. Tuy nhiên, các sản phẩm thông thường có dung tích lớn và nặng so với số người trong một hộ gia đình, vì vậy có nhu cầu về các sản phẩm có dung tích nhỏ hơn, dễ kết hợp hơn vào cuộc sống hiện đại. Ấm đun nước bằng gang Nhật Bản cũng được gọi là tetsubin.

Trong khi ấm đun nước bằng sắt được sử dụng để đun sôi nước pha trà thì không nên sử dụng ấm bằng gang để đun nước. Đó là vì ấm trà bằng gang có lớp tráng men bên trong, khiến chúng không phù hợp để sử dụng trên bếp. Nhiệt độ quá cao sẽ làm nứt lớp men.

Ấm đun nước ngày nay được tạo ra bằng cách cải tiến ấm đun nước pha trà lớn thành ấm nhỏ hơn, thêm vòi và tay cầm để có thể dùng để rót nước nóng bằng một tay. Thiết kế truyền thống của ấm đun nước bằng sắt, ngay cả ngày nay, có nhiều điểm chung với ấm đun nước pha trà được làm từ 400 năm trước.

Trong xưởng đúc, ngổn ngang những vật liệu thiết yếu để làm gang, chẳng hạn như than cốc cứng và sắt. Oitomi sử dụng phương pháp đúc cát. Sản xuất đồ sắt Nambu có nhiều quy trình như lấy cát mịn đóng hộp và sau đó đưa vào máy ép khuôn bằng tay; sử dụng mô hình bằng gỗ để tạo khuôn đúc trong khi trộn cát và đất sét; đính các họa tiết như arare (mưa đá) hoặc sakura (hoa anh đào) vào khuôn đúc; làm khô khuôn đúc và nung ở nhiệt độ cao; đổ sắt đã nung nóng chảy vào khuôn đúc; lấy sắt ra khỏi khuôn đúc, lấy lõi ra và tiếp tục nung ở nhiệt độ lò.

Nhân viên xưởng đúc kiểm tra kỹ lưỡng ngay cả đồ sắt nhỏ nhất để phát hiện các khuyết điểm. Những sản phẩm lỗi sẽ bị nung chảy để đúc thành sản phẩm mới. Với sản phẩm hoàn chỉnh, thợ sẽ đánh bóng bề mặt, nung sơn mài và phủ màu. Sự chú ý đến từng chi tiết này giúp các sản phẩm ở đây được đánh giá cao và được ưa chuộng.

Nghệ nhân Kaito Kikuchi giới thiệu hàng trăm mẫu khuôn đúc của xưởng. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Nghệ nhân Kaito Kikuchi, chủ sở hữu đời thứ 9 của Oitomi, đã giới thiệu hàng trăm mẫu khuôn đúc của xưởng. Theo anh giới thiệu, Oitomi lưu trữ ít nhất số lượng mẫu thiết của khoảng 100 năm, vì vậy xưởng có thể tái hiện lại các sản phẩm của các thời kỳ trên.

Ấm đun nước bằng sắt Miyabi của công ty, được làm bằng hình dạng mềm mại và lớp phủ màu xanh, đã trở nên nổi tiếng ngay lập tức khi cầu thủ Shohei Ohtani của Los Angeles Dodgers, người đến từ Oshu, giới thiệu sản phẩm này trên tài khoản Instagram của mình. Kể từ đó, đã có khoảng 3.000 đơn đặt hàng và danh sách chờ kéo dài một năm.

Nghệ nhân Kaito Kikuchi, đã tìm kiếm những cách để đảm bảo nghề thủ công truyền thống có thể tồn tại. Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng thị trường bằng cách phát triển các tuyến bán hàng mới ở nước ngoài. Để các thế hệ trẻ tham gia các ngành công nghiệp truyền thống và học các kỹ năng để truyền lại, anh tin rằng cần phải thay đổi mô hình kinh doanh thành mô hình có thể đảm bảo thu nhập.

Nghệ nhân Kaito Kikuchi, chủ sở hữu đời thứ 9 của Oitomi, cho biết đồ sắt Nambu từng qua nhiều giai đoạn khó khăn và chiến tranh là một trong những thời kỳ đó. Khi có chiến tranh, ấm sắt bị cấm sản xuất vì sắt phải tập trung cho chính phủ sản xuất vũ khí. Tuy nhiên, những nghệ nhân vào thời điểm đó sợ rằng nếu họ cứ nấu chảy toàn bộ đồ sắt Nambu để làm vũ khí, không chỉ những thứ họ đã làm, mà cả nền văn hóa của Nhật Bản nói chung và nền văn hóa của địa phương, sẽ biến mất, vì vậy các nghệ nhân đã thuyết phục chính phủ.

Anh nói: “Không chỉ có chiến tranh, có những giai đoạn khó khăn khác như động đất, sóng thần, bão hoặc núi lửa phun trào. Giữa tất cả những điều này, lý do chúng tôi đã đứng lên nhiều lần như vậy là vì về cơ bản chúng tôi yêu những gì chúng tôi làm. Tôi nghĩ đó là điều quan trọng nhất.”

Ngày nay, một phần ba doanh số bán hàng trực tuyến của Oitomi là ở nước ngoài. Tận dụng sự phát triển của thị trường nước ngoài để biến một ngành nghề thủ công truyền thống thành một ngành mà thế hệ trẻ có thể dễ dàng tham gia. Đó chính là bí quyết để Oitomi bảo tồn và phát triển thành công đồ sắt Nambu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục