OIC sẽ hành động vì tương lai của các nước Arab và Hồi giáo

Phát biểu tại hội nghị, Quốc vương Saudi Arabia Salman tuyên bố hội nghị của OIC ở Mecca sẽ tìm kiếm biện pháp để đối phó với những mối đe dọa và hành động vì tương lai của các nước Arab và Hồi giáo.
OIC sẽ hành động vì tương lai của các nước Arab và Hồi giáo ảnh 1Quốc vương Saudi Arabia Salman. (Nguồn: Reuters)

Ngày 31/5, truyền thông Trung Đông đưa tin, lãnh đạo các nước Hồi giáo cùng ngày đã nhóm họp ở Mecca với sự chủ trì của Quốc vương nước chủ nhà Salman.

Hội nghị lần thứ 14 của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại thành phố Mecca có chủ đề “Tay trong tay hướng tới tương lai” là hội nghị cuối cùng của một loạt hội nghị giữa các nhà lãnh đạo đến từ khắp các nước Arab và thế giới Hồi giáo.

Phát biểu tại hội nghị, Quốc vương Saudi Arabia Salman tuyên bố hội nghị của OIC ở Mecca sẽ tìm kiếm biện pháp để đối phó với những mối đe dọa và hành động vì tương lai của các nước Arab và Hồi giáo.

Quốc vương Salman nêu rõ: “Chúng ta sẽ kiên quyết đương đầu với những đe dọa gây hấn và các hoạt động lật đổ.”

Chương trình nghị sự của hội nghị lần này sẽ tập trung vào nhiều vấn đề đang tác động tới thế giới Hồi giáo, trong đó có những vấn đề chính trị, những động thái của Iran trong thời gian gần đây đối với một số quốc gia Arab cũng như việc Tehran “chống lưng” cho các tổ chức khủng bố.

[Saudi Arabia kêu gọi duy trì an ninh và ổn định khu vực]

Ngoài ra, cuộc xung đột giữa Palestine và Israel, những định kiến đối với Hồi giáo ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, tình trạng cực đoan bạo lực... cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này.

Trước đó, đã diễn ra hai hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của các nước thuộc Liên đoàn Arab (AL) và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tại Mecca.

Cả 3 hội nghị này đều diễn ra tại thành phố Mecca của Saudi Arabia theo lời đề nghị của Quốc vương nước chủ nhà Salman.

Các hội nghị ở Mecca diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang không ngừng leo thang, các mối đe dọa về an ninh đối với khu vực đang nổi lên, đặc biệt liên quan đến một số nước Arab như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Theo giới quan sát, bên cạnh  việc tập trung bàn thảo các vấn đề nổi lên ở khu vực và quốc tế, các hội nghị ở Mecca cũng là dịp để các nước thuộc thế giới Arab và Hồi giáo có cơ hội đối thoại để giải quyết những bất đồng tồn tại bấy lâu nay thông qua các cuộc gặp song phương bên lề cũng như tại diễn đàn đa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục