OIC quyết định đổi tên là Tổ chức Hợp tác Hồi giáo

Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) đã thông qua quyết định đổi tên thành Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC - Organization of Islamic Cooperation).
Khóa họp thứ 38 hàng năm cấp ngoại trưởng của Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) tiến hành ngày 28/6 ở Astana, Kazakhstan đã thông qua quyết định đổi tên OIC thành Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC -Organization of Islamic Cooperation).

Phát biểu tại phiên khai mạc khóa họp này, Tổng thống Kazakhstan, ông Nursultan Nazarbaev nêu rõ việc OIC đổi tên sẽ trở thành biểu tượng của hiện đại hóa, đoàn kết và khả năng cạnh tranh của Cộng đồng Hồi giáo.

Phát huy kinh nghiệm khi đảm đương chức Chủ tịch Ủy ban An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Kazakhstan sẵn sàng làm hết sức mình trên cương vị Chủ tịch OIC để góp phần cho đối thoại về mọi vấn đề, kể cả việc tìm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế.

Kazakhstan đã đề ra khẩu hiệu "Hòa bình, Hợp tác và Phát triển" trên cương vị Chủ tịch OIC.

Tổng thống Nazarbaev đã đề nghị soạn thảo và thông qua một chiến lược mới của OIC nhằm phát triển kinh tế, trước hết chuẩn y những cơ chế hiệu quả để thúc đẩy hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau và phối hợp hành động giữa các nước thành viên OIC, thực hiện các chương trình về đầu tư, thương mại, công nghệ, xã hội và giáo dục.

Tổng thống Nazarbaev nhấn mạnh không thể chấp nhận được tình trạng các nước OIC sở hữu tới 70% nguồn năng lượng của thế giới, nhưng mới chỉ chiếm 7,5% tổng thu nhập nội địa (GDP) và 11% kim ngạch trao đổi hàng hóa của thế giới.

Ông nói thêm các nước OIC cần phải giữ quan điểm chung trong cuộc chiến chống khủng bố, phát huy mọi tiềm năng nhằm chống ma túy, phấn đấu tham gia hoạt động của Nhóm 20 nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), tích cực phối hợp hành động với Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp tin cậy ở châu Á, đối thoại với OSCE và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

OIC hiện là tổ chức quốc tế chính thức của Chính phủ các nước Hồi giáo với 57 thành viên và số dân gần 1,2 tỷ người, so với 25 nước gia nhập đầu tiên cùng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

OIC còn có một số nước và tổ chức hưởng quy chế quan sát viên, trong đó có Liên bang Nga và Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục