OIC: Israel không nên thay đổi nguyên trạng lịch sử Đông Jerusalem

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) kêu gọi Israel nên ngừng thực hiện những động thái “không thể chấp nhận được” nhằm cố thay đổi nguyên trạng lịch sử tại Đông Jerusalem.
OIC: Israel không nên thay đổi nguyên trạng lịch sử Đông Jerusalem ảnh 1Cảnh sát Israel gác tại thành cổ Jerusalem. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 1/8, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) kêu gọi Israel nên ngừng thực hiện những động thái “không thể chấp nhận được” nhằm cố thay đổi nguyên trạng lịch sử tại Đông Jerusalem, đồng thời cảnh báo hành động "bất hợp pháp" của Israel sẽ vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của tổ chức này.

Tại cuộc họp bất thường của OIC diễn ra một ngày tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, các Ngoại trưởng OIC lên án “những mưu toan có dự tính” của Israel ở Đông Jerusalem, trong đó có biện pháp lắp đặt các máy dò kim loại và camera an ninh tại lối vào quần thể Haram al-Sharif mà người Do Thái gọi là Núi Đền.

Trong tuyên bố chung, các Ngoại trưởng cảnh báo mọi biện pháp tương tự trong tương lai sẽ là bất hợp pháp và không thể chấp nhận được cũng như sẽ vấp phải sự phản đối của OIC. Bên cạnh đó, tổ chức liên chính phủ này kêu gọi Israel tôn trọng các quyền lợi của người Palestine sau những tranh chấp liên quan đến khu thánh địa ở Jerusalem.

Ngoại trưởng Palestine Riad Al-Malki nhấn mạnh cộng đồng quốc tế và các nước Hồi giáo cần tăng cường hợp tác trong vấn đề trên, đồng thời lưu ý Israel đã chiếm đóng Đông Jerusalem trong 50 năm.

Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hối thúc cộng đồng quốc tế tiến hành những nỗ lực cần thiết nhằm đem lại hòa bình lâu dài và toàn diện cho Israel và Palestine trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.

Trong khi đó, Tổng Thư ký OIC Yousef bin Ahmed Al-Othaimeen kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự hỗ trợ cho người Palestine tại Jerusalem.

[Tổ chức Hợp tác Hồi giáo họp khẩn về bạo lực tại Jerusalem]

Trước đó, Israel đã áp đặt các biện pháp hạn chế ra vào tại quần thể Haram al-Sharif, trong đó có đền thờ Al-Aqsa, ở Đông Jerusalem sau khi ba người Palestine bắn chết hai cảnh sát Israel hôm 14/7. Hành động của Israel đã làm bùng phát các vụ đụng độ đẫm máu với người Palestine khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. Israel đã dỡ bỏ các biện pháp trên ngày 28/7 vừa qua, cho phép người Palestine ở mọi lứa tuổi ra vào trở lại khu thánh địa này.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 1/8, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lưu Khiết Trì kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ đề xuất bốn điểm mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa Israel-Palestine và thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Phát biểu họp báo, ông Lưu khiết Trì nói rằng các nỗ lực ngoại giao trong tương lai của Trung Quốc sẽ tập trung vào việc tìm cách thúc đẩy một giải pháp đạt được thông qua đàm phán dựa trên một đề xuất gồm bốn điểm. Cụ thể là thúc đẩy giải pháp hai nhà nước dựa trên các đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine mới; nêu cao "nhận thức về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững," lập tức ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái, áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn bạo lực nhằm vào dân thường và kêu gọi sớm nối lại đàm phán hòa bình; phối hợp các nỗ lực quốc tế để thúc đẩy các biện pháp hòa bình đòi hỏi sự tham gia chung; thúc đẩy hòa bình thông qua sự phát triển và hợp tác giữa Palestine và Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục