OECD: Tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu phụ thuộc tốc độ tiêm vaccine

Theo OECD, nếu việc triển khai tiêm chủng chậm lại tại nhiều nước và dịch COVID-19 vẫn lây lan thì GDP toàn cầu có thể giảm khoảng 2% so với dự báo 4% đưa ra cho cuối năm 2022.
(Nguồn: OECD)

Trong những tháng gần đây, triển vọng kinh tế toàn cầu đã ghi nhận nhiều điểm sáng, nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn.

Trên đây là nhận xét của ông Angel Gurria, Tổng Thư ký của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Delphi lần thứ 6 tại Athens (Hy Lạp).

Phát biểu ngày 14/5 tại đây, ông nêu rõ tốc độ phục hồi kinh tế của mỗi nước nói riêng và toàn thế giới nói chung vẫn phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Theo một phân tích của OECD được công bố vào mùa Xuân này, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng 5,6% trong năm nay và 4% vào năm 2022.

[Kinh tế thế giới mất ít nhất 2 năm để phục hồi hậu COVID-19]

Ông nhấn mạnh nếu việc triển khai tiêm chủng chậm lại tại nhiều nước và virus SARS-CoV-2 cùng các biến thể vẫn hoành hành, GDP toàn cầu có thể giảm khoảng 2% so với dự báo đưa ra cho cuối năm 2022.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 1/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhiều diễn giả tham dự diễn đàn, diễn ra từ ngày 10-15/5, chia sẻ nhận định chung rằng thương mại đóng một vai trò quan trọng trong sự phục hồi kinh tế.

Bộ trưởng phụ trách hội nhập quốc tế của Bồ Đào Nha, ông Eurico Brilhante Dias nêu rõ điều quan trọng là phải mở ra những hướng đi mới và những lộ trình mới với các khu vực khác nhau trên thế giới.

Theo ông, hệ thống thương mại đa phương có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập một một nền thương mại công bằng hơn, hiệu quả hơn với các quy tắc chung được các nước tuân thủ.

Quan chức Bồ Đào Nha nêu rõ chủ nghĩa bảo hộ sẽ là lực cản đối với tăng trưởng và triệt tiêu các cơ hội mới.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách lĩnh vực kỹ thuật số, bà Margrethe Vestager nêu rõ một trong những khía cạnh tích cực có thể gạn lọc từ cuộc khủng hoảng COVID-19 là nó đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, trong đó có Hy Lạp.

Theo bà, chuyển đổi số cũng tạo đà cho tiến trình phục hồi nói chung sau đại dịch. Bà nói: “Các giải pháp kỹ thuật số cho phép chúng ta tiếp tục làm việc và các quốc gia thành viên hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như người dân trong thời kỳ đại dịch."/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục