Ngày 17/6, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OECD) đã kêu gọi một cuộc cải cách tài chính rộng rãi để xóa bỏ sự bất bình đẳng và đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển.
Trong báo cáo phân tích số liệu của 50 năm qua, Tổ chức bao gồm 34 nền kinh tế hàng đầu này chỉ ra rằng những cải cách tăng tính ổn định của khu vực tài chính sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế dài hạn cũng như cân bằng lại chênh lệch trong thu nhập.
Theo OECD, khu vực tài chính lành mạnh sẽ đóng góp vào tăng trưởng “mạnh mẽ và hợp lý” và ngăn ngừa được tình trạng “cho vay quá đà” và đảm bảo chức năng giám sát của ngân hàng.
Trong 50 năm qua, tín dụng ngân hàng và các định chế khác cho người tiêu dùng và doanh nghiệp vay đã tăng nhanh gấp ba lần so với hoạt động kinh tế. Tốc độ này sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế dài hạn, cũng như gia tăng sự mất cân bằng.
Theo ước tính của OECD, tăng trưởng 10% tín dụng ngân hàng trong tổ chức này có thể giảm tăng trưởng kinh tế dài hạn 0,3%.
OECD cũng chỉ trích sự quản lý quá chặt đối với khu vực tài chính, ảnh hưởng đến chức năng chính của ngân hàng là cho vay, cũng như làm giảm chất lượng tín dụng. Gia tăng chênh lệch trong thu nhập hiện nay khiến người giàu có thể vay nhiều hơn người nghèo, trong khi tín dụng tiêu dùng lại được phân bổ không đồng đều.
Theo OECD, sự hỗ trợ quá lớn của nhà nước đối với các định chế tài chính lớn ảnh hưởng đến hệ thống tài chính toàn cầu và là nguyên nhân của tình trạng cho vay ngân hàng quá lớn nhưng tăng trưởng lại thấp hiện nay. Do đó, cải cách khu vực tài chính phải nhằm đến việc chia nhỏ các định chế “khổng lồ” này, tách biệt những chức năng hữu ích của các định chế với những hoạt động có nhiều rủi ro và đòi hỏi các định chế lớn phải có kế hoạch phòng ngừa có hiệu quả đề phòng sự đổ vỡ trên thị trường./.