Ngày 9/3, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu với lý do triển vọng kinh tế được cải thiện nhờ việc các nước triển khai tiêm chủng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cùng gói kích thích kinh tế quy mô lớn ở Mỹ.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế, tổ chức có trụ sở ở Paris (Pháp) này dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng 5,6% trong năm nay, cao hơn 1,4% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.
Báo cáo nhận định: "Triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện rõ rệt trong những tháng gần đây, nhờ việc từng bước triển khai chương trình tiêm chủng vaccine (ngừa COVID-19) hiệu quả, các thông báo về các gói hỗ trợ tài chính bổ sung ở một số quốc gia và các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế đang đối phó hiệu quả hơn với dịch COVID-19."
Nhà kinh tế trưởng của OECD Laurence Boone dự báo sự phục hồi của nền kinh tế thế giới chủ yếu nhờ Mỹ với gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ của Tổng thống Joe Biden.
[Kinh tế toàn cầu hướng tới một tương lai kỹ thuật số hậu đại dịch]
OECD dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, cao hơn 3,3% so với dự báo trước đó.
Đối với Eurozone, OECD dự báo nền kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng 3,9% trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng ở các nước có phần chậm chạp. Tổ chức này cũng dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,8%, giảm 0,2% so với dự báo trước đó.
Cũng trong báo cáo, OECD cho biết sản lượng toàn cầu có thể tăng cao hơn mức trước đại dịch vào giữa năm 2021.
Tuy nhiên, tổ chức này lưu ý các dấu hiệu ngày càng hiện rõ về mức độ không đồng đều giữa các quốc gia khi một số nước triển khai chương trình tiêm chủng nhanh hơn, trong khi các nước khác áp dụng các biện pháp hạn chế chống dịch.
Báo cáo nhận định: "Bất chấp triển vọng toàn cầu được cải thiện, vào cuối năm 2022, sản lượng và thu nhập ở nhiều quốc gia sẽ vẫn ở dưới mức dự kiến trước thời điểm đại dịch bùng phát."
Hiện tại, OECD đánh giá chỉ có Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua mức sản lượng kinh tế thời kỳ tiền đại dịch.
OECD nhận định "ưu tiên chính sách hàng đầu" hiện nay là các nước trên thế giới cần đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cũng như thúc đẩy phục hồi kinh tế.
OECD cũng kêu gọi các nước đang phát triển tăng cường hỗ trợ các nước nghèo hơn được tiếp cận vaccine ngừa COVID-19. Tổ chức này cho rằng chính sách tài khóa và tiền tệ nên tiếp tục hỗ trợ cho quá trình phục hồi./.