Trong báo cáo công bố ngày 4/5, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khuyến cáo Thụy Điển cần nâng cao tiêu chuẩn các trường học và nâng lương cho nhân viên ngành giáo dục nhằm cải thiện chất lượng dạy và học.
Theo đánh giá của OECD, bất chấp các biện pháp cải cách, Thụy Điển đã thất bại trong kế hoạch nâng cao chất lượng dạy và học trong hệ thống trường công lập của mình.
Cụ thể, trong số 34 nước phát triển là thành viên của tổ chức trên, Thụy Điển tụt hạng nhanh nhất về PISA - chỉ số đánh giá chất lượng học sinh trong độ tuổi 15 của OECD.
Về toán học, các học sinh nước Bắc Âu này chỉ đứng thứ 28/34 và thứ 27/34 về kỹ năng đọc hiểu cũng như các môn khoa học khác.
Một điều đáng quan ngại khác là có tới 48% học sinh nhập cư không đạt các yêu cầu về môn toán. Từ thực tế này, OECD khuyến cáo Thụy Điển cần ngay lập tức hoạch định một chiến lược cải cách sâu rộng ngành giáo dục trên phạm vi toàn quốc, theo đó các lớp học được trang bị hiện đại, trong khi các nội dung cũng như phương thức dạy và học cần hấp dẫn hơn. Cơ chế lựa chọn trường học miễn phí cũng cần phải thay đổi.
Giám đốc phụ trách giáo dục và các kỹ năng của OECD, ông Andreas Schleicher cho rằng để khuyến khích sự say mê, tìm tòi, óc sáng tạo của học sinh, trong những giờ lên lớp, các giáo viên tại Thụy Điển cần đưa ra nhiều thách thức cho các em. Song song với đó là đề cao vị thế của người giáo viên trong xã hội, hiện không được đánh giá đúng, thể hiện qua mức lương thấp không tương xứng với khối lượng công việc lớn.
Theo ông Schleicher, nhà giáo không còn là nghề nghiệp hấp dẫn ở Thụy Điển, khi chỉ có 5% giáo viên ở nước này cho rằng họ đang hàng ngày làm công việc được xã hội tôn trọng.
Trước báo cáo của OECD, Giám đốc Cơ quan Giáo dục Thụy Điển Anna Ekstroem thừa nhận ngành giáo dục của nước này cần phải thay đổi. Hiện chính phủ đang cân nhắc kế hoạch cải cách sâu rộng và cam kết từ năm 2016 sẽ tăng mạnh lương cho những đối tượng làm trong ngành giáo dục./.