OECD hối thúc G20 tăng đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng

OECD ngày 5/10 hối thúc các nước G20 tiến hành các biện pháp năng động nhằm thúc đẩy đầu tư vì tăng trưởng mạnh hơn của kinh tế toàn cầu.
OECD hối thúc G20 tăng đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng ảnh 1Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn toàn cầu Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 cùng OECD. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 5/10 đã hối thúc các nước thuộc Nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) tiến hành các biện pháp năng động và mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy đầu tư vì tăng trưởng mạnh hơn của kinh tế toàn cầu.

Tại Diễn đàn toàn cầu G20-OECD về đầu tư quốc tế, các quan chức OECD cảnh báo một cơ chế đầu tư và thương mại có tính gắn kết và phối hợp hơn là rất cần thiết khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu và triển vọng kinh tế giảm trở lại năm thứ năm liên tiếp, mà nguyên nhân chủ yếu có thể là do đầu tư sa sút, thương mại và tín dụng không mạnh.

Những người tham dự diễn đàn nhất trí rằng đà phục hồi của toàn cầu vẫn yếu với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, dù thanh khoản dồi dào trên các thị trường tài chính.

Tổng Thư ký OECD Angela Gurria hoan nghênh các nền kinh tế mới nổi lớn đã đầu tư ở mức kỷ lục trong những năm gần đây. Bà cho biết đầu tư đang được mở rộng và đa dạng hóa về mặt địa lý, với khoảng một nửa mức đầu tư trên toàn cầu hiện là vào các nền kinh tế châu Á, châu Phi, Đông Âu và Mỹ Latinh.

Tại diễn đàn diễn ra song song với một cuộc họp của các bộ trưởng thương mại G20 này, các bộ trưởng, người đứng đầu các tổ chức quốc tế và các nhà hoạch định chính sách và các học giả dự kiến sẽ thảo luận cách thức thức đẩy đầu tư với chủ đề chính là "Tạo điều kiện sự phục hồi đầu tư."

Các bộ trưởng thương mại G20 nhóm họp ngày 6/10 để thảo luận về tình trạng giảm tốc của thương mại toàn cầu và thiết lập một hệ thống giao dịch đa phương hữu ích hơn để thúc đẩy đầu tư.

Cũng trong ngày 5/10, OECD đã công bố bộ giải pháp thực hiện các quy định nghiêm ngặt hơn về thuế trên toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải đóng một mức thuế phù hợp ở những nơi mà họ có lợi nhuận, cho dù một doanh nghiệp chuyển lợi nhuận sang cho một công ty con được thành lập ở một nước có thuế thấp để giảm gánh nặng thuế.

Quy định mới sẽ cho phép các cơ quan thuế quốc gia nhận được các báo cáo thuế và lợi nhuận tại từng nước của các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hàng năm đạt ít nhất là 750 triệu euro (khoảng 837 triệu USD), trên cơ sở đó có thể phát hiện nguy cơ trốn thuế.

Theo ước tính của OECD, nguồn thu thuế của chính phủ các nước trên toàn cầu bị thất thoát khoảng 100-240 tỷ USD mỗi năm, chiếm khoảng 4-10% tổng thu thuế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục